Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

WB: Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng kinh ngạc trong quý III/2022

Ngày 20/10 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2022.

Theo đó, ghi nhận, trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 13,7% so cùng kỳ năm 2021. Cũng nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp, nên cộng dồn 3 quý đầu năm 2022, chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế đạt 8,9% so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, báo cáo của WB chỉ rõ, nhờ các hoạt động kinh tế sôi động hơn trong quý III năm nay nên sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ ghi nhận thêm một tháng có tốc độ tăng trưởng cao (lần lượt ở mức 13,0% và 36,1% so cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, tăng trưởng về xuất nhập khẩu chững lại trong tháng 09/2022 do cầu yếu đi ở những thị trường chủ lực. Thêm vào đó, trong khi số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng giảm trong tháng 9 do ảnh hưởng bởi sự gia tăng những bất ổn địa chính trị trên phạm vi toàn cầu thì tỷ lệ giải ngân vốn FDI lại tiếp tục được cải thiện đáng kể.

Hiện tại giá năng lượng đã hạ nhiệt, nhưng lạm phát về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,9% trong tháng 8 lên mức 3,9% trong tháng 9 chủ yếu do tiền thuê nhà và chi phí giáo dục tăng cao. Lạm phát CPI cơ bản cũng tăng, từ 3,15 trong tháng 8 lên mức 3,8% trong tháng 9. Tốc độ tăng tỷ giá thương mại trong quý III/2022 đã giảm so với quý II.

Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần thuỷ sản Bình Định.

Tăng trưởng tín dụng tăng từ 16,2% trong tháng 8 lên 17,2% trong tháng 9 và so cùng kỳ năm 2021 sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Do nhu cầu lớn về tín dụng, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng từ 3,5% trong tháng 8 lên đến 5,48% vào giữa tháng 10, mức cao nhất kể từ năm 2013 tới nay.

Đồng tiền của Việt Nam tiếp tục mất giá so với đồng đô la Mỹ - vốn đang mạnh dần lên trong tháng 9, khi đồng USD tăng giá 1% so với tháng 8 và tăng 3.8% so cùng kỳ năm 2021. Để ổn định đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước đã nâng hai loại lãi suất chính sách chủ chốt và trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn bằng nội tệ thêm 100 điểm cơ bản, ghi dấu đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 4/2020.

Cân đối ngân sách tháng 9 lần đầu tiên bội chi ở mức 0,5 tỷ USD trong năm 2022, nhưng vẫn ghi nhận mức bội thu 10,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Do thặng dư ngân sách, khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành từ đầu năm đến nay chỉ đạt 28,7% kế hoạch năm, so với mức 67.9% năm 2021.

Báo cáo của WB cũng khuyến nghị, mặc dù nền kinh tế vẫn đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng sự gia tăng những vấn đề bất ổn chính trị ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu đang khiến cho các điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường tính cảnh giác và linh hoạt về chính sách.

Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ yếu đi, chính sách tài khóa chủ động nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong thời gian  tới, các cấp ngành cũng cần bám sát kết quả kinh tế và phối hợp với chính sách tiền tệ. Đồng thời vì CPI đang tiệm cận mức 4% - bằng với mức lãi suất chính sách của cấp có thẩm quyền nên cơ quan tiền tệ cần sẵn sàng cân nhắc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo neo giữ lạm phát.

Khi giai đoạn giãn hoãn thời gian trả nợ kết thúc và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, khu vực tài chính phải đối mặt với rủi ro gia tăng, đồng thời đòi hỏi phải có hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn những rủi ro đó bị hiện thực hóa ở cấp độ ngành, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.

Nguồn: BNews

Tin mới