Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vượt khó nơi tâm hạn mặn miền Tây

(VTC News) -

Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính chu kỳ, và người dân cũng dần thích nghi, thay đổi sản xuất để sống chung với hình thái thời tiết này.

Trong 10 năm gần đây, hạn mặn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến khốc liệt, liên tục và lặp lại, tần suất nhiều hơn, dễ thấy là các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và hiện nay 2023 - 2024. 

Đáng chú ý, theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, 10 năm gần đây lũ rất ít, hầu như không có. Chính vì vậy mà người dân các tỉnh ĐBSCL phải thích nghi, và đã dần quen, thích ứng, linh hoạt thay đổi sản xuất để sống chung với hạn mặn. 

 

Ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), nơi là tâm của hạn mặn với tình trạng khẩn cấp vừa được UBND tỉnh công bố cấp 2, dẫn chúng tôi vào những dòng sông khô khốc, anh Duy Ngọc Nguyễn - Trưởng ấp Bình Minh 2, cho biết bản thân đang ấp ủ kế sách cải thiện đời sống lâu dài cho bà con.

Bởi mỗi mùa hạn mặn tới, hoa màu chết khô, đường sá hư hỏng, giao thương đường thủy bị cắt đứt, bà con trong ấp lại phải sống trong cảnh "trồng được gì ăn nấy, nuôi được gì thịt đó".

"Kế sách" của anh Nguyễn đã được thí điểm tại gia đình anh. Với kinh nghiệm nuôi cá đồng hơn 5 năm, để giúp bà con có ruộng lúa nhưng không có ao hồ vẫn có thể nuôi cá, anh Nguyễn đã khởi xướng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng trên cùng diện tích.

"Trần Hợi là xã ngọt hóa, do vậy việc trồng lúa kết hợp nuôi cá sẽ mang lại kết quả kép", anh Nguyễn nói.

Với mô hình của anh Nguyễn, cùng thời điểm gieo mạ, bà con đồng thời nuôi các loại cá trê vàng, lóc, thác lác... Cá sẽ được nuôi trong mùng hoặc mương. Khi cá đạt trọng lượng khoảng 200 gram/con cũng là lúc lúa chuẩn bị thu hoạch lúa hè thu.

 

Sau khi gặt lúa, nông dân thả cá ra trên ruộng vừa thu hoạch. Cá không cần cho ăn thức ăn công nghiệp mà chỉ phát triển tự nhiên. Đến lúc tát nước xả vụ đông xuân là lúc cá lớn có thể bán. Số cá nhỏ có thể nuôi tiếp đến cuối tháng 12 âm lịch, vừa kịp bán Tết Nguyên đán.

Năm 2023, xã Trần Hợi có 15 hộ thực hiện mô hình này trên diện tích 20 ha, và đều đạt kết quả cao.

"Năm vừa rồi tôi thu về hơn 2 tấn cá, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Lợi nhuận 1 vụ cá bằng cả 2 vụ lúa. Với mô hình này, dù ít hay nhiều, bà con vẫn sẽ có ‘của để dành’ khi mùa hạn mặn đến", Trưởng ấp Bình Minh cho hay.

Cá đồng có giá và đầu ra ổn định, công chăm sóc lại ít. Do đó, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng trên cùng diện tích là mô hình bền vững, phù hợp và hiệu quả nhất đối với người dân vùng hạn mặn lúc này.

Ngược về Kiên Giang, trong đợt hạn mặn năm 2015 - 2016, huyện An Biên và huyện An Minh bị thiệt hại nặng nề nhất tỉnh, với hàng chục ngàn héc-ta lúa, tôm nuôi bị ảnh hưởng. Cũng vì thiệt hại nặng mà năm nay, 2 huyện này đã chủ động các giải pháp phòng, chống từ sớm.

An Minh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất tỉnh Kiên Giang, với hơn 47.800 ha đang thả nuôi thời điểm này, trong đó nuôi luân canh tôm - lúa trên 39.000 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến và thâm canh công nghiệp.

Vụ tôm nuôi 2024 được người dân thả giống ngay sau Tết, tôm đang phát triển tốt, chưa bị tác động nhiều dù hạn, mặn đang cao điểm.

Anh Lê Hồng Lữ ở xã Thuận Hòa, huyện An Minh, cho biết mùa hạn mặn năm nay được dự báo là tương đương với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, nhờ chủ động các giải pháp phòng, chống nên tác động đã giảm đi khá nhiều.

Dẫn chứng của anh Lữ cho thấy vào cao điểm 2015 - 2016, độ mặn dưới sông lên tới 35 - 37‰ (g/l), trên ruộng nuôi tôm hơn 40‰ do nước bốc hơi, độ mặn sắc lại, khiến tôm nuôi chết la liệt. Còn hiện nay, nhờ có hệ thống cống ven biển điều tiết nguồn nước, độ mặn trên sông đang được khống chế dưới 30‰, khi bơm lên ruộng nuôi tôm vẫn ở ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển.

Tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2024 từ rất sớm, và ngành nông nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, bao gồm vận hành các cống hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo nước cho sản xuất.

 

Với lúa mùa, các địa phương đã gieo sạ sớm hơn gần một tháng so với bình thường. Riêng các vùng hạn chế nước ngọt, nông dân được khuyến cáo không sử dụng giống lúa dài ngày, để không bị thiệt hại do hạn mặn.

Nhờ đó, toàn bộ hơn 72.400 ha lúa vụ mùa 2023 - 2024, chủ yếu gieo cấy trên nền đất nuôi tôm (lúa – tôm) nông dân đã thu hoạch trước khi mặn xâm nhập, với sản lượng hơn 400.000 tấn, không có thiệt hại.

Với vụ đông xuân, diện tích gieo trồng vụ 2023 - 2024 hơn 280.200 ha. Đến giữa tháng 3 đã thu hoạch khoảng 146.700 ha, diện tích còn lại đang được bảo vệ an toàn trong các vùng đê bao, không bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết năm nay tình hình hạn, mặn ảnh hưởng từ khá sớm. Nước mặn xâm nhập với độ mặn ghi nhận từ 3 - 4‰ xuất hiện ngay sau Tết Nguyên đán, duy trì và tăng cho đến hiện nay lên đến 7 - 9‰. So với trung bình hàng năm thì mặn không chỉ xâm nhập sớm mà còn ở mức khá cao.

Tuy nhiên, nhờ hệ thống thủy lợi cống điều tiết, nên mặn xâm nhập vào Hậu Giang đang được khống chế không tăng quá cao.

 

Câu chuyện ứng phó, thích nghi, sống cùng hạn, mặn đã được người dân miền Tây thuộc nằm lòng nhiều năm nay. 

Tại Sóc Trăng, nông dân huyện Mỹ Xuyên rất được lòng mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Đây là cách nuôi tôm - trồng lúa được xem là thông minh, bền vững đối với vùng bị ảnh hưởng hạn mặn.

Cụ thể, mùa khô hạn hiện nay, nông dân bơm nước mặn vào ruộng hoặc ao đìa để nuôi tôm sú, tôm thẻ. Khi mưa đến, những ao tôm này được rửa mặn, trở thành cánh đồng lúa kết hợp nuôi tôm sú, tôm thẻ hoặc tôm càng xanh. Sóc Trăng giờ đây đã có diện tích khoảng 7.000 - 10.000 ha “con tôm ôm cây lúa”.

Mô hình này cũng đang được nông dân huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu đầu tư. Nhờ trồng lúa dưới ao nuôi tôm mà mấy năm nay, nông dân các xã thoát nghèo, có điều kiện sản xuất bền vững. Những ngày nước mặn và khô hạn hiện nay, nông dân Phước Long đang phơi ruộng lúa rồi bơm nước mặn vào để nuôi tôm không ai ngưng tay.

 

Nuôi tôm trên ruộng lúa hay còn gọi là tôm hữu cơ còn đặc biệt phù hợp với Cà Mau, tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh miền Tây không được bổ sung nguồn nước ngọt thời điểm hạn gay gắt này. Hiện, diện tích sản xuất tôm - lúa tại Cà Mau đã lên khoảng 40.000 ha.

Cùng với tôm - lúa, nông dân Cà Mau còn có tôm - rừng, tức nuôi thủy sản thuận tự nhiên, không tốn kém nhiều chi phí đầu tư. Tôm giống sau khi được thả sẽ tự kiếm ăn và lớn lên theo cách tự nhiên. Khi thu hoạch, tôm được bao tiêu để chế biến, xuất khẩu.

Cà Mau đang có 25.000 ha tôm - rừng với sản lượng thu hoạch 10.000 tấn tôm mỗi năm được cấp chứng nhận của nhiều tổ chức quốc tế.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2032, WWF - Việt Nam có kế hoạch mở rộng vùng tôm - lúa lên 30.000 ha tại ĐBSCL và bao tiêu, với giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg, giúp nông dân có lời ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng phải có một chiến lược tổng thể hơn cho câu chuyện hạn mặn của ĐBSCL. Theo ông, cần có nghiên cứu nhịp nhàng, có sự gắn kết giữa ngành trồng trọt và thủy lợi, để chủ động thích ứng hơn.

Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu. 

Báo cáo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu 2021 xếp Việt Nam ở thứ hạng 13 trong số các quốc gia ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất của ĐBSCL bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đợt hạn mặn này, 10/13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Đợt hạn mặn năm 2020 kéo dài hơn 6 tháng cũng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Đợt hạn mặn năm 2020 làm hơn 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng hỗ trợ 8 tỉnh miền Tây ứng phó với đợt hạn mặn gây gắt này.

Năm 2017, Thủ tướng ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết 120/NQ-CP xác định ‘xoay trục’ ưu tiên trong nông nghiệp ở ĐBSCL, chuyển từ lúa - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.

Trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI và nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tiếp tục đề xuất bốn mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL là: Tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; Hiện đại hóa nền nông nghiệp; Phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường; Phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận thiên”.

Nguồn:

Tin mới