Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tuyển Việt Nam khủng hoảng và mặt trái của sự ổn định

Tuyển Việt Nam đang chịu tổn thất lực lượng nặng nề khi nhiều cầu thủ trụ cột dính chấn thương nhưng đây lại là cơ hội để HLV Park bổ sung các nhân tố mới.

Ông Park Hang Seo không phải mẫu HLV cởi mở với những thay đổi. Đến Việt Nam ở tuổi 58, lần đầu tiên làm việc tại nước ngoài, không nói được tiếng Anh, chiến lược gia người Hàn Quốc luôn tỏ ra là mẫu HLV truyền thống, đề cao sự ổn định.

Chúng ta chỉ nhìn thấy sự cởi mở của ông Park trong 2 giải đầu tiên của U23 Việt Nam là M-150 Cup và U23 châu Á, cũng như trong giải đấu duy nhất của đội tuyển là AFF Cup. Lúc đó, ông Park mới tiếp quản các đội tuyển, nhu cầu lớn nhất là thử nghiệm, tìm kiếm những con người phù hợp với triết lý.

Thống kê số phút thi đấu của tuyển thủ Việt Nam ở vòng loại World Cup cho thấy chênh lệch lớn giữa nhóm chính thức và dự bị. Đồ họa: Minh Phúc.

Tuyển Việt Nam ổn định thế nào?

Vòng loại World Cup 2022 là một ví dụ. 7 tháng qua, tuyển Việt Nam đã 3 lần tập trung, chơi 5 trận tại vòng loại. Trong 5 trận ấy, ông Park chỉ dùng 18 cầu thủ. Trong 55 lần chọn người vào đội hình chính, ông chỉ 3 lần thay đổi.

Hai trong ba thay đổi ấy là những quyết định bất khả kháng. Lần một, Đoàn Văn Hậu không đủ thể lực sau chuyến bay dài từ Hà Lan buộc ông Park phải tung Nguyễn Phong Hồng Duy vào sân. Lần hai, Nguyễn Tuấn Anh chấn thương nên ông buộc phải tung Phạm Đức Huy ra đấu Indonesia.

Suốt 5 trận, thay đổi duy nhất ở đội hình ra quân xuất phát từ nhu cầu chiến thuật là khi Nguyễn Công Phượng đá thay Nguyễn Văn Toàn ở trận gặp Malaysia tháng 11/2019.

Ta sẽ thấy những điểm tương đồng trong cách dùng người của ông Park với đội Heerenveen của Văn Hậu. Nếu đội hình chính không gặp chấn thương, cơ hội cho nhóm dự bị là gần bằng zero.

5 trận, ông Park chỉ dùng 7 cầu thủ dự bị. 4 người trong số đó tới từ hàng công. Hai tuyến còn lại chỉ có 3 người được dùng là Phạm Đức Huy, Hồng Duy và Vũ Văn Thanh.

Vấn đề nằm ở đây. Cách dụng nhân của ông Park khiến nhóm dự bị có rất ít cơ hội. Nên khi đội hình chính gặp vấn đề, HLV người Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn, đặc biệt là tại hàng thủ.

Riêng vị trí trung vệ, ông Park chưa từng trao cơ hội cho một cầu thủ mới nào. Lấy Thành Chung làm ví dụ. Trung vệ của CLB Hà Nội có tên trong danh sách tuyển Việt Nam ở Asian Cup, King’s Cup và vòng loại World Cup nhưng chưa chơi một phút nào từ đó tới nay.

Trận gặp Malaysia nhiều khả năng là lần ra mắt đội tuyển quốc gia của Chung.

Dù chơi rất hay tại U23 Việt Nam, Thành Chung (giữa) vẫn chưa có màn ra mắt đội tuyển quốc gia ở một trận chính thức. Ảnh: Minh Chiến.

Buộc phải thay đổi

Không phải đến lúc này, người ta mới ý thức được sự ổn định ở hàng thủ tuyển Việt Nam. Chúng ta biết nhưng chấp nhận và tin tưởng lựa chọn ấy bởi hiệu quả thực tiễn mà nó đem lại. Văn Lâm và đồng đội hiện dẫn đầu vòng loại World Cup trong một bảng đấu có cả UAE, Thái Lan và Malaysia. Chiến thắng của đội tuyển tạm thời che đi các vấn đề.

Đến lần này, dù muốn hay không, ông Park cũng buộc phải thay đổi. Trong hệ thống phòng thủ 6 người của ông Park, 3 người không thể thi đấu do chấn thương và thẻ phạt. Văn Hậu chỉ bình phục trước trận ít ngày còn Văn Lâm không được thi đấu từ nay tới cuối tháng 3. Đội trưởng Quế Ngọc Hải là cái tên duy nhất khỏe mạnh.

Đó là chưa tính tới các biến động ở hai tuyến trên, điều rất khó tránh khi 3 vòng V.League và AFC Cup vẫn đang chờ phía trước.

Những đợt tập trung tới chắc chắn chứng kiến nhiều gương mặt mới lên tuyển. Ông Park cần người thay thế các học trò đang chấn thương. Ông cũng cần chuẩn bị cho một giai đoạn còn khốc liệt hơn, thậm chí khốc liệt nhất từ khi ông tới Việt Nam. Nếu vượt qua Vòng loại hai World Cup, tuyển Việt Nam sẽ chơi 16 trận tại AFF Cup và Vòng loại ba World Cup từ tháng 9/2020 tới tháng 9/2021.

16 trận ở cấp đội tuyển trong một năm là mật độ thi đấu chưa từng xuất hiện trong lịch sử tuyển Việt Nam, với độ khó của từng trận đấu cũng thuộc hàng cao nhất.

Sai lầm của Bảo Toàn trong trận gặp U23 CHDCND Triều Tiên cho thấy có một khoảng cách rất lớn giữa đội hình chính và nhóm dự bị ở các đội tuyển của ông Park Hang-seo. Ảnh: Minh Chiến.

Nhu cầu thay đổi là quá rõ ràng. Nhưng thay đổi như thế nào là vấn đề lớn.

Về chủ quan, HLV Park Hang Seo phải là người đầu tiên hành động. Cuộc họp định hướng 2020 giữa VFF và ông Park hồi đầu năm đã khẳng định rõ “đội tuyển cần thiết phải có sự đổi mới để tạo động lực lớn lao hơn cho chặng đường sắp tới”.

Về khách quan, ta phải tự hỏi bóng đá Việt Nam có cung cấp đủ con người cho ông Park biến hóa không? Khi tuyển Việt Nam gặp Malaysia và Indonesia hồi tháng 10, ông Park đã hai lần tung Nguyễn Việt Phong vào sân. Tiền đạo của Viettel mùa này chỉ có đúng 1 bàn tại V.League và thực tế cũng không thể tạo bất ngờ tại đội tuyển.

Tương tự như vậy ở cấp U23, ông Park phải dùng tới Trần Bảo Toàn, người còn vô danh ngay ở HAGL, khi muốn tìm bàn thắng trước U23 CHDCND Triều Tiên. Kết quả, Bảo Toàn phạm lỗi trong vòng cấm khiến U23 Việt Nam thua 1-2.

Sự xuất hiện của những cầu thủ như Việt Phong hay Bảo Toàn cho thấy ông Park đã vét cạn mọi thứ có thể từ V.League và các CLB. Cũng có nghĩa rằng suốt 2 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa sản sinh thêm những tài năng đủ sức giúp đội tuyển làm mới mình.

Cầu thủ mới nhất chen chân được vào đội hình xuất phát của tuyển Việt Nam hóa ra lại là một cái tên rất cũ: Nguyễn Tuấn Anh. Các vị trí còn lại vốn đã được định hình từ AFF Cup 2018, giải đấu diễn ra gần một năm rưỡi về trước.

Tuy nhiên, ông Park tìm đâu ra cầu thủ tốt lúc này cũng là vấn đề nan giải của bóng đá Việt Nam.

Nguồn: Zing News

Tin mới