Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc thử nghiệm thiết bị lặn không người lái hoạt động ở Biển Đông

Trung Quốc hoàn tất thử nghiệm thiết bị lặn không người lái tầm xa nhằm mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông.

Thiết bị lặn tự vận hành (AUV), có tên Sea-Whale 2000 (Cá Voi Biển 2000) vừa hoàn thành thử nghiệm 37 ngày ở Biển Đông với tầm hoạt động 2.011km, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết.

Tờ South China Morning Post đưa tin, nhiệm vụ của thiết bị không người lái Sea-Whale 2000 vẫn còn là bí mật, song tầm hoạt động của thiết bị này có thể bao phủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Thiết bị lặn không người lái Sea-Whale 2000 có hình ngư lôi, dài khoảng 3 m và nặng 200 kg, được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và một loạt các cảm biến để đo nhiệt độ, độ mặn, dòng điện, dấu vết hóa chất, tầm nhìn dưới nước và các hoạt động sinh học. Bên cạnh đó, Sea-Whale 2000 có thể lặn ở độ sâu 2.000 m dưới mặt nước biển, với tốc độ lên tới 1,2 m mỗi giây.

Thiết bị lặn không người lái được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và một loạt các cảm biến. (Ảnh: Chinese Academy of Sciences) 

"Việc phát triển của Sea-Whale 2000 là để đáp ứng nhu cầu khảo sát dài hạn dưới biển sâu ở Biển Đông", Tiến sĩ Huang Yan, Viện nghiên cứu robot của Viện Khoa học Trung Quốc nói và cho biết Sea-Whale 2000 có khả năng thực hiện "nhiệm vụ dài hạn trong nhiều tuần chỉ với một lần phóng và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ".

Giáo sư Liu Xiaoshou, nhà khoa học sinh vật biển tại Đại học Đại dương Trung Quốc, cho biết các cảm biến sinh học trên Sea-Whale 2000 có thể thu thập dữ liệu về các vấn đề sinh thái. Cùng với thông tin được thu thập bởi các cảm biến khác, các nhà khoa học có thể tái cấu trúc sự phát triển của các hệ thống sinh học ở quy mô lớn hơn.

Ông Liu Xiaoshou cũng cho hay, việc triển khai thiết bị lặn không người lái quy mô lớn có thể không xảy ra ngay lập tức vì công nghệ mới sẽ cần thêm thời gian để chứng minh giá trị của nó. Dữ liệu được thu thập bởi thiết bị lặn không người lái sẽ cần phải được so sánh cẩn thận với các phương pháp khác được thu thập để xác định độ chính xác và chất lượng.

10 năm trước, Bắc Kinh đã ra mắt một mạng lưới giám sát đại dương được coi là lớn nhất ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc và nhiều viện nghiên cứu dân sự đã triển khai một số lượng lớn phao và trạm giám sát neo đậu dưới đáy biển. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, mật độ triển khai của Trung Quốc “hiện nay cao hơn nhiều" so với các cơ sở tương tự do Mỹ và các nước khác vận hành trong khu vực.

Tuy nhiên, các cơ sở cố định này không thể bao phủ toàn bộ biển và việc bảo trì chúng rất tốn kém. Một số đã bị hư hại. Các nhà khoa học Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post rằng, thiết bị lặn không người lái Sea-Whale 2000 tầm xa sẽ giúp ích cho công việc của họ.

Sea-Whale 2000 không phải là thiết bị lặn tự vận hành có tầm hoạt động xa nhất trên thế giới. Hiện nay, Autosub Long Range của Anh, có biệt danh Boaty McBoatface, được cho là thiết bị lặn tự vận hành có tầm hoạt động xa nhất trên thế giới với phạm vi 6.000 km, thời gian hoạt động lên đến 6 tháng.

Việc Trung Quốc phát triển thiết bị lặn không người lái có phạm vi hoạt động rộng ở Biển Đông rõ ràng nằm trong âm mưu chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc, động thái vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế

Ngoài ra, thời gian qua, hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được Trung Quốc cài cắm ở mọi nơi: từ cái áo, quả địa cầu, bản đồ, bản đồ digital (trên định vị các phương tiện), phim ảnh, sách giáo trình… cũng cho thấy Trung Quốc không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để phổ biến các yêu sách phi lý trên Biển Đông.

Kông Anh

Tin mới