Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghỉ dài phòng Covid-19, học sinh cần chuẩn bị những gì để thi vào lớp 10?

(VTC News) -

Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, học sinh cần trang bị một số kỹ năng khi làm bài thi và luyện đề thường xuyên.

Với học sinh lớp 9 đây đang là thời điểm quan trọng để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên học sinh THCS ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đang tạm nghỉ.

Theo lời khuyên của các giáo viên chuyên luyện thi vào 10, để vượt qua các kỳ thi xuất sắc thì kiến thức mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì không phải ai cũng quan tâm đúng mức, đó chính là các kỹ năng làm bài thi.

Với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi vào lớp 10, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI tư vấn cho học sinh về các kỹ năng cơ bản khi làm bài thi, đó là: Kỹ năng nhận biết dạng đề, kỹ năng trình bày bài thi, kỹ năng phân tích đề thi và kỹ năng phân bổ thời gian. Học sinh lớp 9 cần trang bị ngay để đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2020.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang - Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI.

Kỹ năng nhận biết dạng đề

Khi nhận đề học sinh đừng vội vàng "cắm đầu cắm cổ" vào để làm, bởi điều này tưởng giúp học sinh tranh thủ thời gian, nhưng thường sẽ xảy ra sai sót nhiều hơn trong quá trình làm bài.

Thực tế, khi đề được phát ra học sinh sẽ có 5-10 phút để kiểm tra một lượt đề thi. Hãy dùng khoảng thời gian này để nhận biết dạng đề, xem xét toàn diện cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của đề.

Sau khi nhận biết dạng đề sẽ giúp học sinh định hướng các nội dung cần triển khai, câu hỏi là về vấn đề gì, tìm thông tin.

Bên cạnh đó việc nhận biết dạng đề sẽ giúp học sinh không bị rơi vào tình trạng "lạc đề", nhất là với môn như Ngữ văn thì việc nhận biết dạng đề thi là kỹ năng rất cần thiết.

Kỹ năng trình bày bài thi

Học sinh nắm chắc kiến thức là một phần quan trọng, nhưng phải trình bày làm sao để thầy cô thấy dễ hiểu và ấn tượng với bài làm của mình, thì đó cũng chính là kỹ năng mà học sinh cần rèn luyện.

Một bài thi được trình bày khoa học sẽ cho thấy học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết cách sắp xếp nội dung, tổng hợp vấn đề và thể hiện mình am hiểu sâu sắc bản chất của vấn đề. Đặc biệt với môn Ngữ văn thì kỹ năng trình bày đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp bài thi dễ dàng đạt điểm tối đa.

Một bài thi được trình bày khoa học, các phần các đoạn được phân tách rõ ràng, mạch lạc sẽ tạo điều kiện cho giáo viên trong quá trình chấm điểm bài thi cũng như dễ dàng "bắt được ý" của người viết. Do vậy học sinh đừng coi nhẹ kỹ năng này.

Khi đề được phát ra học sinh sẽ có 5-10 phút để kiểm tra một lượt đề thi. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)

Kỹ năng phân tích đề thi

Đây là khâu quan trọng giúp học sinh định hướng đúng đề và rèn kỹ năng tư duy logic, đặc biệt giúp học sinh khi viết không rơi vào tình trạng xa đề, viết lan man hay viết mà không hiểu những gì mình đang viết.

Với môn Toán việc phân tích kỹ đề sẽ giúp học sinh đưa ra được các bước giải với một bài toán nhanh hơn, còn với môn Ngữ văn khi phân tích đề nên chú ý vào những từ ngữ then chốt trong đề thi để xác định được yêu cầu về nội dung và hình thức của bài.

Phân tích đúng đề sẽ giúp rút ngắn được thời gian làm bài, thể hiện đúng vấn đề trọng tâm, đúng yêu cầu mà đề thi đặt ra. Đây cũng là một trong những kỹ năng giúp bài thi dễ ghi điểm tuyệt đối.

Kỹ năng phân bổ thời gian

Học sinh sẽ chỉ có một khoảng thời gian nhất định để làm bài thi, vì vậy không nên để mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó vì thời gian trung bình mỗi câu nên được sắp xếp hợp lý với số điểm của câu đó.

Đối với câu hỏi ít điểm nhất đề thi, học sinh nên phân bổ thời gian hợp lý, không nên để xảy ra trường hợp dành quá nhiều thời gian vào đó, còn những câu khác lại làm sơ sài.

Đồng quan điểm với cô Nguyễn Thị Thu Trang, cô Phạm Thị Thúy Ngọc - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội) dặn dò thêm học sinh: "Khi làm bài thi các em nên tập trung vào làm những câu dễ trước để ghi điểm và làm thật tốc độ, sau đó sẽ dành thời gian cho những câu khó sau. Tránh trường hợp làm câu khó trước sẽ mất nhiều thời gian và ảnh hưởng tâm lý đến quá trình làm bài thi".

Vì vậy để trau dồi các kỹ năng làm bài thi học sinh cần luyện đề thường xuyên. Điều này sẽ giúp học sinh trang bị kiến thức và kỹ năng làm bài thi toàn diện, nhận biết được lực học của mình đến đâu, đồng thời tạo thói quen làm bài thi và tâm lý vững vàng khi kỳ thi chính thức diễn ra.

Cô Phạm Thị Thúy Ngọc lưu ý học sinh về kỹ năng phân bổ thời gian làm bài thi.

Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình các môn học năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh lớp 9 và 12.

Theo kế hoạch, thời gian phát sóng các môn học của lớp 9 bắt đầu từ 9h15 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Thời lượng phát sóng của mỗi buổi khoảng 40 phút. Như vậy, học sinh lớp 9 có thể được học mỗi môn 2 buổi/tuần.

Với lớp 12, chương trình được phát sóng trong 3 khung giờ 14h30, 15h15, 16h00 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Sở GD&ĐT Hà Nội giao các phòng GD&ĐT, các nhà trường và giáo viên các bộ môn có hình thức nhắc nhở, động viên và hỗ trợ tích cực cho học sinh trong quá trình học tập.

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 được UBND TP Hà Nội phê duyệt, dự kiến sẽ được tổ chức trong hai ngày 1 và 2/6. Sáng 1/6, thí sinh thi bài Ngữ văn, chiều thi Toán. Ngày 2/6, buổi sáng, thí sinh thi môn Ngoại ngữ, chiều làm bài môn thứ 4.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, lịch thi lớp 10 của Hà Nội sẽ được điều chỉnh để học sinh lớp 9 đảm bảo đủ thời gian học bù sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Do đang trong thời gian học sinh nghỉ, chưa chốt thời điểm đi học trở lại nên tạm thời, Hà Nội chưa có lịch thi vào lớp 10 chính thức năm nay.

Video: Giáo viên vẫn bận rộn dù học sinh nghỉ vì dịch Coivd-19.

 

Tùng Lâm

Tin mới