Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Xẻ thịt' rừng Quảng Nam: Truy tìm lâm tặc, truy cứu trách nhiệm hạt kiểm lâm

Trong vòng 1 tháng, 3 khu rừng bị “xẻ thịt”, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam khẳng định sẽ xử lý nghiêm cá nhân liên quan.

Ngày 22/4, trả lời PV VTC News, ông Phan Tuấn (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) cho biết, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã tiếp nhận thông tin về việc rừng tự nhiên ở xã Cà Dy (huyện Nam Giang) bị tàn phá.

Hàng chục cây gỗ ở Cà Dy bị "xẻ thịt". 

“Lực lượng kiểm lâm vẫn đang có mặt ở hiện trường để thống kê chính xác số lượng gỗ rừng bị chặt hạ. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi xác định rất nhiều điểm trong rừng Cà Dy xảy ra tình trạng phá rừng”, ông Tuấn nói.

Cụ thể, khu vực rừng tự nhiên bị “xẻ thịt” thuộc địa phận 2 thôn Pà Căng và Bến Giằng (xã Cà Dy). Tại 2 thôn này, ước tính đã có hơn 30 cây gỗ lâu năm với đường kính trên 1m đã bị cưa hạ không thương tiếc.

Ước tính đã có hơn 30 cây gỗ lâu năm với đường kính trên 1m đã bị cưa hạ không thương tiếc. 

Ông Đinh Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang cho hay: “Hiện lực lượng kiểm lâm tại địa phương tương đối mỏng, chỉ có 10 người nhưng phải quản lí 40.000ha rừng ở thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy. Rừng thôn Pà Căng đã giao cho UBND xã Cà Dy quản lý, thực hiện giao khoán cho các hộ gia đình”.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, ở Quảng Nam đã phát hiện tổng cộng 3 vụ tàn phá rừng.

Đầu tiên, vào giữa tháng 3, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh.

 Khoảng 20 cây gỗ chuồn có tuổi đời lên đến cả trăm năm trong rừng phòng hộ Sông Tranh bị đốn hạ.

Tại khoảnh 6 và 7 của tiểu khu 752 thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh, lực lượng chức năng đã thống kê khoảng 20 cây gỗ có tuổi đời cả thế kỷ (đường kính khoảng 40cm/cây) bị chặt hạ nằm la liệt.

Tổng khối lượng gỗ đo được từ 15-17m3. Đây chủ yếu là loại gỗ chuồn thuộc nhóm 3. Loại gỗ này chủ yếu dùng để sản xuất đũa.

Đầu tháng 4, chính quyền huyện Phước Sơn đã vào cuộc điều tra vụ phá rừng ở thôn 4, xã Phước Đức.

Cụ thể, hàng chục cây gỗ cổ thụ có chiều dài 50m, đường kính hơn 1m bị chặt hạ nằm ở khoảnh 12, tiểu khu 675 thuộc lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi.

 Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long - 2 kẻ đã phá rừng phòng hộ Đắk Mi.

Trong vụ phá rừng này, Công an huyện Phước Sơn xác định Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú tại thôn 4, xã Phước Đức) chính là 2 kẻ đã thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép.

Còn đối với vụ phá rừng phòng hộ ở Bắc Trà My, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã kiểm điểm Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (chủ rừng).

Và sau khi nắm bắt thêm một vụ phá rừng vừa xảy ra ở Cà Dy, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam – ông Phan Tuấn khẳng định, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các cá nhân liên quan đến những vụ phá rừng trong thời gian gần đây. 

“Việc rừng phòng hộ lẫn rừng tự nhiên liên tục bị tàn phá có trách nhiệm của các đơn vị phụ trách bảo vệ rừng ở từng địa phương.

Hiện nay, lực lượng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đang truy tìm những người đã chặt hạ gỗ rừng, song song với đó sẽ truy cứu trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm, BQL rừng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

THANH BA

Tin mới