Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sở VH-TT TP.HCM 'giải cứu' cầu sắt gần 120 tuổi trước nguy cơ bị tháo dỡ

Sở VH-TT TP.HCM đề xuất việc bảo tồn nguyên trạng phần đầu cầu, một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn và một tháp canh của cầu sắt Bình Lợi 117 tuổi.

Ngày 22/5, Sở Văn hóa - thể thao (VH-TT) TP.HCM cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Sở GTVT thành phố liên quan đến việc thực hiện bảo tồn công trình cầu đường sắt Bình Lợi.

Theo Sở VH-TT, cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902 với chiều dài 276m nối quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.

Ngoài phục vụ đường sắt, cầu còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Với hơn 117 năm tuổi, cầu đường sắt Bình Lợi được xem là có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam.

 Cầu đường sắt Bình Lợi có thể sẽ tháo dỡ vào cuối tháng 6/2019.

“Với giá trị lịch sử, văn hóa như trên, Sở VH-TT thành phố nhận thấy việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi, gồm phần đầu cầu, một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức và một tháp canh (bờ sông quận Thủ Đức) là cần thiết.

Việc này nhằm lưu giữ dấu tích cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch thành phố”, Sở VH-TT cho biết.

Đối với các nhịp cầu còn lại trước khi tháo dỡ, Sở VH-TT đề nghị cơ quan liên quan cho phép Bảo tàng TP.HCM khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Vừa qua, TP.HCM có dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT, trong đó có xây dựng cầu xe lửa mới thay thế. Sau khi xây dựng xong, TP.HCM sẽ tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi với lý do đã xuống cấp và tạo thuận lợi cho giao thông thủy.

Được biết, cầu Bình Lợi không được xem là di tích, không có trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa, nên sau khi hoàn thành cầu Bình Lợi mới vào đầu tháng 5/2019, cầu Bình Lợi cũ sẽ bị tháo dỡ vào cuối tháng 6/2019.

Nhật Linh

Tin mới