Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gian nan hành trình xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam trước sự cản phá của Trung Quốc

Khi tàu Polshkov mới thu nổ được 2.144 km tuyến đầu tiên thì bị Trung Quốc huy động tàu thuyền và máy bay cản phá quyết liệt không thể tiếp tục công việc.

Cách đây tròn 10 năm, Việt Nam đã chính thức trình lên Liên Hợp Quốc báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam để bảo đảm quyền lợi quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý.

Nhân dịp này, Trí thức trẻ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của ông Nguyễn Quang Bô, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (nay là Tổng Công ty PVEP) về hành trình khảo sát công phu của Việt Nam.

Trung Quốc liên tục quấy rối

Căn cứ vào Công ước về Luật biển UNCLOS 1982 và những quy định của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam là quốc gia ven biển có ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở lãnh hải.

Tuy nhiên điều đó phải được chứng minh dựa trên các chứng cứ khoa học về địa chất, địa mạo, độ sâu nước biển, bề dày trầm tích... trong một báo cáo quốc gia chứ không thể nói vo.

Thời hạn phải nộp báo cáo là 13/5/2009, nếu sau thời hạn này mà không có thì coi như Việt Nam không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa kéo dài vượt quá 200 hải lý (*). Bộ Ngoại giao là cơ quan lập và trình báo cáo này cho Liên Hợp Quốc.

Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP vinh dự được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao trách nhiệm thừa ủy quyền của Ban Biên giới Bộ Ngoại giao lập và triển khai phương án khảo sát địa chấn xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam.

PVEP mà chủ chốt là "Team CSL-07" gồm Nguyễn Du Hưng, Cù Minh Hoàng, Hoàng Việt Bách (Phòng Thăm dò), Nguyễn Trường Thanh (Phòng KTHĐ), tôi và một số anh em khác trong năm 2006 đã phối hợp chặt chẽ với nhóm của anh Huỳnh Minh Chính, Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên giới lập xong phương án, mà chúng tôi đặt tên là CSL-07 (Continental Shelf Limit 2007), khối lượng 7.000km tuyến địa chấn 2D kết hợp đo từ, trọng lực, độ sâu nước biển, trình các cấp phê duyệt, trong đó có việc thuê tàu khảo sát và xử lý tài liệu của Liên đoàn Địa Vật lý Biển Bắc SMNG của Nga trụ sở tại Murmansk.

Ngày 27/3/2007 các anh Nguyễn Du Hưng, Nguyễn Trường Thanh, Đào Quang An và tôi có mặt tại Murmansk ký hợp đồng PVEP-EXP/TC.06.001 với SMNG. Ngày 8/5/2007, tôi lại có mặt tại thành phố vùng cực Bắc này của Nga để ký Phụ lục Hợp đồng Addenum Nr.1 cho việc xử lý tài liệu địa chấn đã thu nổ của phương án CSL-07.

 Đàm phán và ký hợp đồng với lãnh đạo SMNG tại Murmansk tháng 3/2007. (Ảnh: NVCC)

Ngày 20/4/2007, tàu "Polshkov" của SMNG Nga rời Nha Trang ra khơi bắt đầu khảo sát. Ngày 8/5/2007 khi mới thu nổ được 2.144 km tuyến đầu tiên thì bị Trung Quốc huy động tàu thuyền và máy bay cản phá quyết liệt không thể tiếp tục công việc.

PVEP và SMNG sau đó thống nhất chấm dứt hợp đồng khảo sát thực địa chương trình CSL-07 giai đoạn 1 và thỏa thuận đưa tàu "Polshkov" xuống khảo sát lô 05.1.b.c cho công ty "Idemitsu" của Nhật Bản, đồng thời khẩn trương tìm tàu mới để tiếp tục chương trình. Tháng 7/2007, tôi nghỉ hưu nhưng đồng đội trong "Team CSL-07" vẫn hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Ngày 20/8/2008, tàu "Northern Explorer" do PVEP thuê của hãng "PGS" Na Uy khảo sát các tuyến CSL-07 giai đoạn 2 ở khu vực phía Đông bồn trũng Phú Khánh được gọi tên mới là CSL-08.

Chiến thuật thu nổ lần này được anh em chỉ đạo linh hoạt phù hợp tình hình trên biển: Nếu bị Trung Quốc chặn tuyến này, ta chuyển sang làm tuyến khác; nếu bị chặn ở phía Bắc, ta rời xuống phía Nam …

Tuy nhiên, mới làm được 4.600km tuyến, tức 75% khối lượng, thì Trung Quốc huy động 5 tàu tới cản phá, cắt đứt cáp địa chấn, công việc phải dừng lại.

Không thể không hoàn thành nốt 25% chương trình CSL-08 còn lại, PVEP ký tiếp hợp đồng với công ty "Wavefield" của Singapore đem tàu "Bergen Surveyor" vào thu nổ từ ngày 24/10/2008 nhưng sau 5 ngày cũng phải dừng vì lại bị Trung Quốc kịch liệt chống phá.

Khối lượng km tuyến khảo sát được trong giai đoạn 2 là 4.870km cộng với 2.144km giai đoạn 1, tương đương con số 7.000km của phương án. Trong đời làm dầu khí, đây là lần đầu tiên một phương án thu nổ địa chấn có khối lượng khiêm tốn nhưng phải kéo dài tới 2 năm với 3 lần thuê tàu vì sự cản phá đến cùng của Trung Quốc.

Có lẽ họ không muốn Việt Nam có số liệu khảo sát khách quan, khoa học để làm Báo cáo Quốc gia nộp Liên Hợp Quốc đúng thời hạn. Hiểu được ý đồ đó nên chúng tôi càng quyết tâm vượt qua và chúng tôi đã chiến thắng.

Tài liệu CSL-07 giai đoạn 1 được SMNG xử lý tại Murmansk. Tài liệu CSL-08 giai đoạn 2 xử lý tại Trung tâm xử lý "Fairfield Việt Nam" của PVN. Kết quả xử lý được PVEP minh giải 2 ranh giới: tầng phản xạ trên cùng, tương ứng với nóc trầm tích hay đáy biển (Seabed) và tầng móng âm học tương ứng với đáy trầm tích (Base-Sediment).

Từ kết quả minh giải này, tính ra chiều dày trầm tích giúp việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa được chính xác, khoa học và đầy thuyết phục. Toàn bộ tài liệu sau đó PVEP giao lại cho Ban Biên giới để lập Báo cáo Quốc gia trình Liên Hợp Quốc.

 Sơ đồ minh họa phân định Đường Cơ sở, Lãnh Hải, Vùng Tiếp giáp Lãnh Hải, vùng Đặc quyền Kinh tế EEZ, TLĐ, Vùng trời Quốc gia, Không phận Quốc tế. (Ảnh: NVCC)

Tôi được biết, theo điều kiện tự nhiên và yêu cầu về chính trị, pháp lý, Việt Nam chia vùng thềm lục địa vượt quá 200 hải lý thành 3 khu vực là Bắc, Trung và Nam, trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực Trung và Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.

Báo cáo Quốc gia của Việt Nam

Báo cáo phần phía Nam, ta làm chung với Malaysia. Báo cáo trình Liên Hợp Quốc để bảo đảm quyền lợi quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, đồng thời có cơ sở khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài Vùng Đặc quyền Kinh tế EEZ và Thềm lục địa (*).

Nội dung chính Báo cáo Quốc gia của Việt Nam gồm:

- Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với Báo cáo chung Việt Nam - Malaysia, hai bên thống nhất xác định được khu vực thềm lục địa vượt quá 200 hải lý liên quan đến hai nước mà không ảnh hưởng tới các nước khác.

- Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển và TLĐ được quy định theo Công ước 1982; tuân thủ Công Ứơc 1982 và tôn trọng các điều ước và hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết và có hiệu lực giữa các nước liên quan.

- Việc xây dựng Báo Cáo trình Ủy Ban RGTLĐ về ranh giới ngoài TLĐ vượt quá 200 hải lý và việc Ủy ban RGTLĐ của LHQ xem xét Báo cáo không ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền biển đảo và việc phân định biển giữa Việt Nam với các nước liên quan sau này (*).

Ngày 6/5/2009, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã phối hợp với Phái đoàn Malaysia nộp báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và ngày 7/5/2009 nộp tiếp báo cáo riêng của ta khu vực phía Bắc trước hạn chót là ngày 13/5/2009.

Ban Thư Ký của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa đã tiếp nhận và chuyển tải ngay báo cáo tóm tắt của báo cáo chung Việt Nam - Malaysia và báo cáo thành phần của ta lên trang web của Liên Hợp Quốc.

Ngày 7/5/2009, Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối hai báo cáo trên, yêu cầu Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa không xem xét. Và lần đầu tiên họ chính thức đưa ra yêu sách trên Biển Đông theo đường "chín đoạn" tức "đường lưỡi bò".

Ngày 8/5/2009, phái đoàn Việt Nam đã gửi Công hàm phản đối Công hàm của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ yêu sách đường "chín đoạn", coi đây là yêu sách phi lý, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.

Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia phối hợp trình bày báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Ủy Ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc (*).

Thời gian trôi đi thật nhanh, đã 13 năm rồi kể từ ngày "Team CSL-07" của PVEP cùng Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao khởi động công việc. Rồi liên tiếp 2 năm 2007-2008 bằng mọi cách vượt qua sự chống phá quyết liệt của Trung Quốc để hoàn thành thắng lợi phương án thu nổ địa chấn xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam.

Các anh Đào Quang An, Nguyễn Du Hưng và tôi đã nghỉ hưu; nghe nói anh Huỳnh Minh Chính sau đó đi làm Đại sứ tại Hà Lan bây giờ chắc cũng nghỉ rồi.

Nhớ lại chuyện xưa để thấy ngành dầu khí cũng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

(*) Bài viết có tham khảo thông tin từ trang Nghiên cứu Biển Đông.

Nguồn: Tri Thức Trẻ

Tin mới