Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cao Bằng có cán bộ được tặng ô tô trị giá hơn 3,7 tỷ đồng

Theo Thanh tra Chính phủ, tại tỉnh Cao Bằng có cán bộ được tặng chiếc ô tô giá trị hơn 3,7 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra cuối tháng 10 tới đây).

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết trong năm 2019, qua kiểm tra xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm kê khai tài sản. Trong đó, Bộ Công an có hai người, Đà Nẵng một người, Khánh Hòa hai người, Tây Ninh hai người và Thanh Hóa một người. Hiện đã kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét kỷ luật hai trường hợp.

Thời gian qua, một số địa phương phải trả lại xe do doanh nghiệp tặng. (Ảnh minh họa)

Năm qua cũng có 9 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 4,172 tỷ đồng. Hai trường hợp nhận quà không đúng quy định và xử lý kỷ luật cảnh cáo năm người, khiển trách một người, sa thải một người. Trong đó, quà tặng thấp nhất là là 3 triệu (thuộc tỉnh Trà Vinh), cao nhất là 150 triệu đồng (TP.HCM). Đặc biệt ở tỉnh Cao Bằng có trường hợp cán bộ được tặng ô tô giá trị 3,720 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết trong năm 2019, có 62 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và ba người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng…”, báo cáo nêu rõ.

Năm qua, Viện kiểm sát các cấp thụ lý 273 vụ/610 bị can về tội tham nhũng (án mới là 230 vụ/570 bị can), truy tố 246 vụ/537 bị can. Cơ quan điều tra VKSND tối cao khởi tố mới 12 vụ/16 bị can về tội danh tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, khởi tố, điều tra. Điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ "Nhôm") cùng đồng phạm về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Vụ án Lê Nam Trà cùng đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và đưa, nhận hối lộ, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).

Vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi…

Với những dẫn chứng trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định trong năm 2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng… công tác này tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao…

Video: 1.200 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng

Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao. Cụ thể, trong 37 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tính hết tháng 6-2019, thi hành án dân sự các cấp thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng (đạt trên 13% tổng số phải thu).

Trong năm 2020, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư theo hình thức BT, BOT, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Ngoài ra, đề nghị TAND Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng. Kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài…

Nguồn: plo.vn

Tin mới