Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh cãi '5 đội bóng chung ông chủ ở V-League' khiến trọng tài thổi đúng vẫn bị trách oan?

Trọng tài không sai trong tình huống thổi phạt đền khiến TPHCM thua Quảng Nam nhưng vẫn bị trách oan vì câu chuyện "4-5 đội bóng chung chủ" ở V-League.

1. Đang ở thế phải bám đuổi đội đầu bảng Hà Nội FC trong cuộc đua vô địch V-League 2019, CLB TPHCM lại tiếp tục sảy chân khi thất bại 0-2 trước Quảng Nam ở vòng 20. Một trong hai bàn thua mà đội bóng của HLV Chung Hae-soung phải nhận trên sân Tam Kỳ đến từ quả phạt đền gây tranh cãi ở cuối hiệp một. 

Đó là tình huống mà CLB TPHCM cũng như không ít khán giả theo dõi trận đấu cho rằng quyết định của trọng tài là không chính xác vì hậu vệ Ngô Tùng Quốc phạm lỗi ở ngoài vòng cấm. Dù vậy, chia sẻ trên báo Thanh Niên, Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền nhận xét trọng tài chính Nguyễn Đình Thái không sai, do là cầu thủ đội khách tiếp tục thực hiện pha phạm lỗi khi đã vào trong vòng cấm và xứng đáng bị thổi phạt.

Video: Quảng Nam 2-0 TPHCM

Cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng cũng chung quan điểm và chỉ ra rất rõ cơ sở để bênh vực người cầm còi trận Quảng Nam - TPHCM. Trong tài liệu hướng dẫn luật 12 của FIFA có phần giải thích về lỗi lôi kéo, xô đẩy đối phương. Hành vi này được mô tả là "ngăn cản cầu thủ đối phương vượt qua bằng bàn tay, cánh tay hoặc cơ thể".

Trọng tài có thể cho đội bị phạm lỗi được hưởng quả đá phạt trực tiếp ngay tại vị trí phạm lỗi, hoặc thổi phạt đền nếu pha bóng diễn ra trong vòng cấm. Tuy nhiên mô tả ứng với tình huống tranh cãi trên sân Tam Kỳ nằm ở gạch đầu dòng thứ ba: "Nếu hậu vệ bắt đầu lôi kéo cầu thủ tấn công từ ngoài vòng cấm nhưng vẫn tiếp tục hành vi vào trong vòng cấm, trọng tài có thể thổi phạt đền".

Pha quay chậm cho thấy cái tay của hậu vệ TPHCM vẫn tiếp tục tác động vào lưng của cầu thủ đối phương khi cả hai đã vào đến vòng cấm. Trọng tài Nguyễn Đình Thái có cơ sở để thổi phạt đền đối với pha phạm lỗi của Ngô Tùng Quốc đối với Gabriel. 

2. Người hâm mộ tất nhiên không cần hiểu chi tiết về luật và cách áp dụng luật trong vô vàn tình huống cụ thể như các trọng tài và giới chuyên môn. Nhưng hoàn cảnh của trận đấu đủ nhạy cảm để đánh lừa con mắt của rất nhiều khán giả đối với bất kỳ pha bóng gây tranh cãi nào xảy ra.

Nếu quả phạt đền kể trên xuất hiện ở một trận đấu khác, hoặc màn so tài giữa Quảng Nam và TPHCM diễn ra ở một thời điểm khác, có lẽ câu chuyện sẽ không ồn ào đến như vậy. TPHCM đang là đối thủ cạnh tranh gắt gao với Hà Nội FC trong cuộc đua đến ngôi vô địch. Trong khi đó, Quảng Nam lại được dư luận coi là "người anh em" với đội bóng Thủ đô, cùng nằm trong nhóm "năm thằng gầy" mà bầu Đức từng ám chỉ cách đây chưa lâu.

 TPHCM (áo đỏ) đang đua vô địch với Hà Nội FC.

TPHCM gặp bất lợi, HLV Chung Hae-soung cũng lên tiếng nói rằng trận đấu "không phải là bóng đá". Tâm lý nghi ngờ khiến không ít khán giả dễ dàng suy nghĩ theo hướng tiêu cực, rằng trọng tài thiên vị đội chủ nhà để "ép" TPHCM trong cuộc đua vô địch. Có thể nhận ra điều đó qua các bình luận trên mạng xã hội về trận đấu trên sân Tam Kỳ và đặc biệt là quả phạt đền gây tranh cãi.

Mối nghi ngờ này dường như đã che lấp đi sự thật rằng TPHCM gần đây không chắt chiu được điểm số. Đoàn quân của HLV Chung Hae-soung đã bốn trận liền không thắng và thậm chí còn thua cả đội bét bảng Sanna Khánh Hòa. Không nhiều người mổ xẻ vấn đề chuyên môn, về phong độ của đội vô địch lượt đi khi kết quả của họ sa sút. Tất cả sự chú ý sau trận thua gần nhất của TPHCM hướng về quyết định tranh cãi của trọng tài.

Chuyện một ông chủ chi phối nhiều đội bóng vẫn là ám ảnh không lành mạnh, trở đi trở lại suốt cả chục năm qua của bóng đá Việt Nam. Khi các nhà tổ chức vẫn chưa tìm ra cách để chứng minh chứ chưa nói đến xử lý, niềm tin của dư luận là thứ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực. Đó là một lý do khiến những vị vua áo đen phải chịu những soi xét có phần không được công bằng.

Tiểu Cường

Tin mới