Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ronaldo bị tẩy chay và thói khinh rẻ bóng đá châu Á

Những cáo buộc lừa đảo của Ronaldo cùng Juventus không chỉ gây phẫn nộ ở Hàn Quốc, mà còn khiến cả châu Á khó chịu.

Trong bài viết mới nhất trên These Football Times, ký giả Paul Murphy đã khẳng định Cristiano Ronaldo và Juventus thiếu tôn trọng người hâm mộ Hàn Quốc. Chuyên gia bóng đá châu Á này cũng vạch trần cách ứng xử và những chuyến du đấu của nhiều CLB lớn đến từ châu Âu đơn giản chỉ là kiếm tiền.

Ronaldo đã làm Hàn Quốc nổi giận

Người hâm mộ Hàn Quốc đã rất tức giận trước cách ứng xử của Ronaldo, người đã không ký tặng các CĐV, không trả lời phỏng vấn và chỉ đơn giản là nhìn chằm chằm vào các phóng viên ở khu Mixed Zone, sau khi ngồi dự bị ở trận Juventus hòa 3-3 trước K League All-Star.

 Ronaldo thể hiện thái độ lạnh nhạt và khiến CĐV Hàn Quốc nổi giận. Ảnh: Getty.

Đối với một cầu thủ có các chuyên gia tư vấn, quản lý hình ảnh thường giới thiệu anh như một người đàn ông thân thiện với người hâm mộ, thì đây là một sự bất thường với khán giả châu Á. Chắc chắn số lượng fan của anh sẽ giảm đi đáng kể.

Hình ảnh của Juventus cũng trở nên tồi tệ trong mắt CĐV Hàn Quốc. Họ trễ chuyến bay so với dự kiến, nên phải hủy buổi ký tặng CĐV Hàn Quốc. Trận giao hữu cũng muộn gần một tiếng so với kế hoạch ban đầu.

Ryan Walters, biên tập viên của KLeague.com, đã có mặt ở SVĐ World Cup Seoul và chứng kiến đám đông người hâm mộ quay lưng với siêu sao người Bồ Đào Nha.

“Cristiano Ronaldo được CĐV hò hét để ra sân. Nhưng sau đó họ đã quay sang la ó khi hiệp 2 bắt đầu”, Ryan Walters tiết lộ. “Người hâm mộ đã cố gắng thuyết phục siêu sao người Bồ Đào Nha ra sân bằng cách hô vang tên anh ta, và khi điều đó không có kết quả, họ bắt đầu gọi tên của Lionel Messi”.

 Những CĐV Hàn Quốc cảm thấy bị tổn thương vì Ronaldo. Ảnh: RT.

“Tôi nghĩ rằng Juventus đã thất bại trong nhiệm vụ phát triển một thương hiệu vốn đã mạnh mẽ bằng cách chọc giận người hâm mộ Hàn Quốc. Nhưng điều đó sẽ không cản trở Liverpool, Barcelona và đặc biệt là người hâm mộ Tottenham xuất hiện vào một dịp như vậy trong tương lai”.

Nhiều người hâm mộ Hàn Quốc đã kiện Festa, đơn vị tổ chức trận đấu, về việc Ronaldo không ra sân dù chỉ một giây.

Kiếm tiền nhưng phải thể hiện sự tôn trọng

Barcelona, Juventus, Tottenham, Chelsea, Manchester City và Wolves là những CLB có chuyến du đấu ở Đông Á trong mùa Hè 2019 này.  Một lượng CĐV khổng lồ đã đổ xô đến các sân vận động để có cơ hội tận mắt nhìn thấy những Cristiano Ronaldo, Harry Kane hay Antoine Griezmann.

Những tranh luận và phản biện về mục đích và giá trị của các chuyến du đấu từ châu Âu đến Đông Á đã có từ lâu. Tuy nhiên, những chuyến du đấu kiểu vậy đã trở thành thông lệ, và đặc biệt chúng là kết quả của các liên kết tài trợ và quyền sở hữu như International Champions Cup (ICC), với sự mở rộng về địa điểm tổ chức và thể thức thi đấu phức tạp.

 Man City của Pep Guardiola cũng đã nhận sự chỉ trích trong chuyến du đấu châu Á hè 2019. Ảnh: Getty.

Các CLB đó đã có được trải nghiệm thông qua các ưu đãi tài chính và tiếp xúc với một thị trường sở hữu lượng CĐV đang phát triển. Đổi lại, nước chủ nhà đạt được mục đích gì từ các chuyến du đấu ngoài cơ hội nhìn thấy những ngôi sao bằng xương bằng thịt?

Đông Nam Á đã là thị phần của các CLB ở Premier League từ lâu, những chuyến du đấu và các trận đấu giao hữu cũng từng rất phổ biến ở đây. Tuy nhiên, việc Liverpool ít tương tác với người hâm mộ trong lần đặt chân tới Thái Lan năm 2015 là dấu hiệu cho thấy sự mệt mỏi đã bắt đầu.

Trong cùng năm đó, nhóm CĐV cực đoan của Malaysia đã phát động chiến dịch tẩy chay các trận đấu với Liverpool và Tottenham. Thời điểm ấy, lịch thi đấu giải VĐQG Malaysia đã bị gián đoạn và người hâm mộ đã chỉ ra sự tham lam và bản chất của Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) là “gánh xiếc”.

Tuyên bố được các CĐV đưa ra là rất đanh thép: “Đừng mua vé, đừng đến sân vận động. Các trận đấu được tổ chức đơn giản để làm cho FAM, ban tổ chức và những người bạn thân của họ trở nên giàu có. Vì vậy, hãy để FAM và ban tổ chức kiếm lợi từ những trận đấu vô nghĩa này”.

 Liverpool từng nhận chỉ trích lớn tại Malaysia vào năm 2015. Ảnh: Getty.

Các giải đấu quốc nội ở Đông Á thường diễn ra vào mùa Hè, khi các CLB ở châu Âu đang chuẩn bị cho mùa giải mới. Điều này khiến người hâm mộ ở đây ngày càng phản đối việc giải quốc nội bị thay đổi lịch thi đấu để nhường chỗ cho sự hiện diện của các CLB lớn tới từ châu Âu.

Singapore vẫn là một trong những nước chủ nhà của ICC nhưng họ đang chứng kiến chất lượng giải VĐQG của mình xuống cấp trầm trọng. Sự tôn trọng dành cho những người khổng lồ của bóng đá châu Âu trái ngược hoàn toàn với sự thờ ơ chung đối với S.League.

Cuối cùng, miễn là có nhu cầu thì các chuyến du đấu vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng có lẽ sẽ tới một thời điểm nào đó người hâm mộ từ chối tham dự. Bây giờ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những siêu sao của riêng họ.

 Son Heung-min là ngôi sao của bóng đá châu Á. Ảnh: Getty.

Chúng ta có thể tưởng tượng việc các CLB ở khu vực Đông Á đến du đấu ở Anh, chỉ trao đặc quyền cho báo chí truyền thông thuộc quốc gia của họ, trong khi các cầu thủ siêu sao của họ phớt lờ các phóng viên bản địa. Họ sẽ bị chỉ trích một cách chính đáng, nhưng đây cũng chính là điều thường thấy ở các CLB của châu Âu.

Tầm quan trọng của Đông Á trên bản đồ bóng đá thế giới đang tăng lên và các cường quốc châu Âu luôn muốn chiếm một phần thị trường. Nếu những chuyến du đấu này thực sự quan trọng đối với các CLB của châu Âu, thì chắc chắn bây giờ là lúc họ cần nhiều suy nghĩ nhiều hơn về việc dành sự tôn trọng cho các quốc gia chủ nhà, người hâm mộ và giới truyền thông địa phương.

Nguồn: Zing News

Tin mới