Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trân Châu Cảng và những hình phạt của Mỹ với ‘trò ảo thuật’ của phát xít Nhật

Nhiều người tin rằng, vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ nhằm vào các thành phố của Nhật Bản là một trong những đòn trừng phạt cho vụ Trân Châu Cảng.

Đòn tấn công quân sự bất ngờ của Nhật Bản nhằm vào căn cứ tại Trân Châu Cảng gây ra thiệt hại quá lớn cho quân đội Mỹ.

Dấu hiệu cho sự bắt đầu cuộc tấn công là những phát súng bắn pháo hiệu màu đen. Vào ngày 7/12/1941, hai quả pháo hiệu như vậy được bắn: không quân và hạm đội tàu ngầm Nhật Bản tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii.

Quân đội Mỹ gọi máy bay ném bom Nhật Bản là “thịt viên” – do có hình tròn đặc trưng ở phần đuôi. Số lượng “thịt viên” khi đó là 353. Các radar phát hiện ra chúng, nhưng viên sĩ quan đảm nhiệm trực lại cho rằng, đó là những chiếc máy bay “phe mình”: Trân Châu Cảng lúc đó cũng đang chờ quân tiếp viện.

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941. (Ảnh: AP) 

Có một “tín hiệu cảnh báo” khác. Trong lúc máy bay Nhật Bản cất cánh, khu trục hạm Mỹ phát hiện một chiếc tàu ngầm Nhật Bản ở lối vào bến cảng: nó đang cố gắng lách mình vào bên trong giữa những con tàu đang sửa chữa. Tàu ngầm ngay lập tức bị đánh chìm, nhưng khi mà đoạn thông báo từ khu trục hạm gửi đến Đô đốc còn chưa được giải mã, mọi chuyện đã là quá trễ.

Kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng được phát triển một cách bí mật chưa từng có – cho đến bây giờ vẫn không ai biết chính xác khi nào điều đó xảy ra. Chỉ biết rằng, việc nghiên cứu kế hoạch đó được thực hiện trong buồng chỉ huy thiết giáp hạm “Nagato”.

Quang cảnh Trân Châu Cảng trong cuộc tấn công ngày 7/12/1941. (Ảnh: AP) 

Kameto Kuroshima, sĩ quan cao cấp của Bộ Chỉ huy Hải quân Đế quốc Nhật Bản, là người tham gia vào kế hoạch này. Ông ta là bộ não của chiến dịch và là một con người kỳ lạ. Khi Kuroshima lóe lên một ý tưởng nào đó, ông ta liền tự nhốt mình trong cabin, cởi trần và ngồi lì ở bàn: đốt hương trầm, hút thuốc và suy nghĩ.

Phi công chiến đấu Minoru Genda, với tư cách là người đứng đầu đơn vị mà bản thân người Nhật gọi là “những ảo thuật gia của Genda”, chịu trách nhiệm về cuộc tấn công từ trên không. Các phi công Mỹ đã cố gắng ngay lập tức trừng phạt “những trò ảo thuật” của họ. Tuy nhiên con số 29 máy bay bị bắn hạ và 64 người chết từ phía Nhật Bản không thể so sánh được với những tổn thất mà Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phải gánh chịu.

 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đặt vòng hoa tại Trân Châu Cảng ngày 27/12/2016. (Ảnh: AP)

Trong 110 phút của cuộc tấn công, 4 thiết giáp hạm, 2 khu trục hạm,1 tàu tuần dương, hàng chục tàu hỗ trợ và 118 máy bay bị phá hủy. Ngoài ra, còn có hàng chục tàu chiến và khoảng 150 chiếc máy bay khác bị hư hỏng nặng. Tổng cộng 2395 người thiệt mạng.

Từ năm 2011, Mỹ bắt đầu có Ngày tưởng niệm Trân Châu Cảng. Cho đến trước thời điểm đó, ngày 7/12 được gọi là “ngày xấu hổ” (như Tổng thống Franklin Roosevelt đã nói ngay sau cuộc tấn công năm 1941). Nhiều người tin rằng, vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ nhằm vào các thành phố của Nhật Bản là để trả thù vụ Trân Châu Cảng. Nhưng hành động trả thù đó lại được thực hiện vào giữa cuộc chiến.

Một chiến dịch khác cũng được gọi là “Trả thù”. Nhiệm vụ của chiến dịch đó là giết chết chỉ huy của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, Đô đốc Yamamoto Isoroku. Họ săn lùng ông ấy cả trên đất liền và trên biển, cho đến khi các phi công Mỹ bắn hạ được chiếc máy bay chở viên Đô đốc.

Một năm trước đó, vào năm 1942, Không quân Mỹ triển khai ném bom Tokyo. Trung tá Dootlittle, người chỉ huy 16 chiếc máy bay ném bom, đã chụp ảnh một cách thích thú bên cạnh tấm áp phích cổ động: “Chuyến bay tới Tokyo. Mọi chi phí đã được thanh toán. Hãy tham gia!”.

Văn Đức

Tin mới