Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những điều ít biết về Cách mạng Tháng Mười Nga

Hơn 100 năm trôi qua, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là một trong những sự kiện vĩ đại nhất thế kỷ XX, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển nhân loại.

Năm 1917, nước Nga trải qua 2 cuộc cách mạng lớn vào tháng 2 và tháng 10, chấm dứt 200 năm trị vì của Nhà Romanov cũng như chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Nga. Sau những tháng đấu tranh, các thành phần cấp tiến nhất của phái tả Nga khi đó là đảng Bolshevik giành chiến thắng, lật đổ giai cấp tư sản, lần đầu tiên đưa giai cấp công nhân và nông dân lên nắm quyền ở xứ bạc dương. 

Cách mạng Tháng Mười Nga còn mở ra chương mới trong lịch sử nhân loại khi những người vô sản ở Nga thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Ngày 7/11/2019 đánh dấu 102 năm kể từ ngày những người Bolshevik giành thắng lợi trong cuộc cách mạng chấn động thế giới cuối năm 1917.

Vì sao Cách mạng Tháng Mười lại diễn ra vào tháng 11?

Cách mạng Tháng Mười Nga thực chất xảy ra vào tháng 11, Cách mạng Tháng Hai cũng diễn ra vào tháng 3. Nguyên nhân là do khác biệt trong hệ thống lịch

Cho tới tận năm 1918, Nga vẫn sử dụng lịch cũ, hay lịch Julius do Hoàng đế La Mã Julius Caesar đưa ra từ năm 45 TCN. Lịch Julius lệch so với lịch Gregorius, còn gọi là lịch dương hay lịch mới, khoảng 2 tuần. Một trong những việc đầu tiên mà những người Bolshevik thực hiện sau khi giành chính quyền là chuyển sang dùng lịch mới.

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết ngày 7/11/1917 tại điện Smolny ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. 

Nguyên nhân Cách mạng Tháng Mười

Có nhiều giả thiết xung quanh nguyên nhân của cả 2 cuộc cách mạng năm 1917 tại Nga, nhưng các nhà sử học đồng ý với quan điểm cho rằng người dân Nga lúc bấy giờ cảm thấy giận dữ vì Nga tham gia Thế chiến I. Khi ấy, người dân Nga mong chờ hòa bình từ rất lâu, nhưng chính quyền Đế quốc Nga vẫn tiếp tục tham gia chiến tranh.

Do cơ sở vật chất phục vụ sản xuất của nước Nga khi ấy rất yếu kém, tình trạng thiếu lương thực xảy ra, đặc biệt tại Petrograd (tên cũ của Saint Petersburg - thủ đô thời bấy giờ). Những cuộc “bạo loạn bánh mì” nổ ra đánh dấu bước đầu của cuộc nổi dậy.

Những người nông dân, chiếm đa số tại nước Nga khi ấy, không hài lòng với chính phủ Đế quốc Nga. Dù cho Sa hoàng Alexander II bãi bỏ chế độ nông nô từ năm 1861, song đến năm 1917 phần lớn nông dân Nga không sở hữu bất cứ tài sản nào. Những người lao động phải chịu đựng những điều kiện lao động khắc nghiệt vượt quá sức tưởng tượng.

Bản thân Sa hoàng Nicolas II cũng là nguyên nhân khiến cách mạng nổ ra, thậm chí những người trung thành với ông còn cho rằng Sa hoàng Nicolas II là nhà lãnh đạo kém cỏi. Hoàng gia Nga bị thao túng bởi Grigory Rasputin trong nhiều năm, Rasputin được Hoàng gia Nga coi là vị thánh nhưng bị phần lớn người Nga căm ghét.

Cách mạng Tháng Hai nổ ra với nòng cốt là lực lượng của Đảng Bolshevik do Vladimir Lenin lãnh đạo, bắt đầu bằng phong trào biểu tình chống chiến tranh. Ngày 26/2 (11/3 theo lịch mới), cuộc tổng bãi công tại Petrograd chuyển thành khởi nghĩa vũ trang. Sa hoàng Nicolas II phải thoái vị.

Lý do những người Bolshevik giành thắng lợi

Do những cuộc khủng bố của chính quyền Sa hoàng Nicolas II, đầu năm 1917, Đảng Bolshevik không có nhiều tiếng nói cũng như không có nhiều ảnh hưởng tại Nga lúc bấy giờ. Nhưng khi Cách mạng Tháng Hai nổ ra, Vladimir Lenin cùng nhiều đồng chí đang ở Thụy Sĩ lập tức trở về Nga và bắt đầu hành động.

Người dân Nga lúc bấy giờ ủng hộ những người Bolshevik bởi những người Bolshevik khẳng định sẽ mang lại hòa bình và ruộng đất ngay sau khi giành thắng lợi. Đồng thời, những người Bolshevik khẳng định rằng công nhân và nông dân cần đoàn kết đấu tranh để chống lại tư bản và đế quốc.

 Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cách mạng ngày 7/11/1917.

Trên thực tế, sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xô viết lập tức ban hành Sắc lệnh Hòa bình và Sắc lệnh Ruộng đất để giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất ở Nga lúc bây giờ, đồng thời xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp, những đặc quyền của giáo hội Chính thống giáo ở Nga và thực hiện chính sách nam nữ bình đẳng.

Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, những người Bolshevik còn ngăn chặn thành công âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự của tướng Kornilov và điều này khiến uy tín của họ trở nên rất cao. Những người Bolshevik cũng không sợ bất cứ điều gì cả, họ từng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong nhiều năm và bị chính quyền Đế quốc Nga đàn áp thẳng tay.

Các nhà sử học cũng đánh giá rằng Vladimir Lenin, lãnh tụ của Đảng Bolshevik là lý do khiến những người Bolshevik giành được thắng lợi. Lenin thể hiện ông là nhà cách mạng chăm chỉ và dũng cảm – những bài phát biểu của ông lay động trái tim của người dân Nga lúc bấy giờ, và Lenin đã tổ chức rất tốt Đảng Bolshevik để đảng lãnh đạo cuộc cách mạng đi đến thắng lợi.

Đến mùa Thu năm 1917, người dân Nga tin tưởng Lenin hơn hẳn người đứng đầu Chính phủ Lâm thời Nga Alexander Kerensky, nhân vật được đánh giá là xảo quyệt nhưng kém cỏi. Đó là những lý do chính giúp những người Bolshevik giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười Nga.

Những người phụ nữ đóng góp quan trọng cho Cách mạng tháng Mười Nga

Trong thắng lợi lịch sử cách đây hơn 100 năm, có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ, mà tên tuổi của họ trở thành tượng đài bất tử gắn chặt với Xô viết Nga và giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Họ không chỉ đóng góp bằng lời nói cho lý tưởng theo đuổi, mà còn trực tiếp cầm súng nổi dậy, hoàn thành cuộc cách mạng công nông đầu tiên.

Nadezhda Konstantinovna Krupskaya, phu nhân của lãnh tụ V. Lenin. Tham gia phong trào cách mạng từ rất sớm, bà Nadezhda Krupskaya (1869 - 1939) được xem là nữ anh hùng nổi tiếng nhất của Cách mạng tháng Mười Nga. Bốn năm trước khi gặp V. Lenin, bà Nadezhda gia nhập tổ chức Mác-xít và bắt đầu tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền. Bà đã tham gia vào tổ chức “Liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”.

 Krupskaya và Lenin. (Ảnh: RIA Novosti)

Năm 1896, Nadezhda Krupskaya bị bắt và bị đày ở Siberi. Năm 1898, bà gia nhập Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga (RSDLP) do V.Lenin lãnh đạo. Trong thời gian làm việc hải ngoại, bà làm thư ký cho tờ “Tia sáng” – cơ quan ngôn luận của RSDLP, thiết lập các mối liên hệ với các tổ chức đảng ở Nga.

Năm 1917, Nadezhda Krupskaya tích cực giúp chồng trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc cách mạng tháng Mười, sau đó tham gia vào việc tổ chức phong trào thanh niên vô sản. Bà là người đứng đầu Liên minh công đoàn công nhân, thanh -thiếu niên xã hội chủ nghĩa.

Trong vài trò là phó chủ nhiệm Ủy ban khai trí Xô Viết, bà Krupskaya trở thành một trong những người sáng lập hệ thống giáo dục công lập của Liên Xô, xây dựng nhiệm vụ chính của nền giáo dục mới với tiêu chí: “Nhà trường không chỉ dạy học mà còn là nơi giáo dục lý tưởng cộng sản”. Sau khi mất vào năm 1939, bà được chôn cất trong Điện Kremlin.

Một cái tên nổi bật nữa là Ekaterin Breshkovskaia, được mệnh danh là "bà già" của Cách mạng Nga. 

Ekaterina Konstantinovna Breshkovskaya (1844-1934) sinh ra trong một gia đình quý tộc Nga. Năm 1873, tại Kiev, bà tham gia vào tổ chức “Thanh niên khai trí”, tham gia vào các hoạt động xã hội. Năm 1874, bà bị bắt và kết án 5 năm tù khổ sai. Mùa Xuân năm 1881, trong nỗ lực chạy trốn, bà bị bắt và kết án thêm 4 năm lao động khổ sai.

Năm 1896, sau khi được ân xá vào dịp đăng quang của Sa hoàng Nicholas II, Ekaterina Konstantinovna sống lưu vong ở nước ngoài. Bà là người ủng hộ biện pháp đấu tranh chính trị bạo động, xem đó là phương pháp đấu tranh hiệu quả nhất.

Tháng 9/1904, Ekaterina Konstantinovna tham gia vào tổ chức Đại hội Amsterdam của Quốc tế cộng sản II. Bà sang Mỹ để gây quỹ  cho đảng. Bà tham gia vào cách mạng Nga lần thứ nhất năm 1905. Năm 1910, Ekaterina Konstantinovna  tiếp tục bị lưu đày, nơi bà ở lại cho đến khi được giải phóng sau Cách mạng Tháng Hai 1917. Sau năm 1918, bà sống ở nước ngoài và mất tại Cezch.

Song Hy

Tin mới