Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mong đợi gì từ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London?

Theo các chuyên gia, trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh London sẽ là bàn cách đối phó với Matxcơva và Bắc Kinh.

Ngày 3/12, Hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài 2 ngày khai mạc tại London. Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập khối quân sự. Vào tối ngày 3/12, các vị khách của thủ đô nước Anh sẽ tham dự buổi lễ chào mừng tại Cung điện Buckingham.

Thách thức và mối đe dọa

Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý trước thềm hội nghị, tại các cuộc hội đàm ở London, các nhà lãnh đạo Liên minh nên công nhận vũ trụ là một không gian tác chiến mới – bên cạnh mặt đất, trên biển, trên không và không gian mạng. Trước đó, quyết định này được Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên của tổ chức đưa ra.

Theo ông Stoltenberg, chương trình nghị sự của cuộc họp cũng sẽ bao gồm: thảo luận về nhiệm vụ ở Afghanistan, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng của Liên minh, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình ở Ukraine và việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Tổng thư ký NATO cho biết thêm, mối quan hệ của Khối với Nga và Trung Quốc, cũng như tương lai của hệ thống kiểm soát vũ khí, cũng sẽ được thảo luận.

 Quốc kỳ của các quốc gia thành viên NATO tại Cung điện Buckingham trước thềm hội nghị thượng đỉnh London. (Ảnh: Global Look Press)

Truyền thông Mỹ, dẫn lời các đại diện của chính quyền ông Donald Trump, cho biết, tâm điểm chú ý tại hội nghị thượng đỉnh London sẽ là cuộc đối đầu với Matxcơva và Bắc Kinh.

Vẫn còn đó những thách thức cấp bách mà NATO bằng cách nào đó phải đối phó. Trước hết, đó là Trung Quốc” - CNBC, dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên, cho biết.

Ông Jens Stoltenberg có nhắc về Nga như một trong những mối đe dọa chính đối với NATO trong cuộc phỏng vấn với France 24 trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Bên cạnh những điều khác, ông Stoltenberg cáo buộc Matxcơva vi phạm Hiệp ước INF.

Theo đại diện của chính quyền Mỹ, Washington cũng sẽ đưa vào chương trình nghị sự một cuộc thảo luận về công nghệ truyền thông 5G. Mỹ phản đối sự hợp tác của các nước châu Âu với các công ty Trung Quốc trong việc thúc đẩy công nghệ này vì lo ngại gián điệp.

Tuy nhiên, vào tháng 10, chính quyền Đức từ chối chặn công ty Huawei của Trung Quốc tham gia vào thị trường truyền thông tốc độ cao. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng của CHLB Đức, ông Peter Altmaier, khi đề cập đến hệ thống 5G của Trung Quốc, nói rằng, chính Washington mới đang yêu cầu các công ty Mỹ thu thập dữ liệu. Ngoài ra, Bộ trưởng còn nhắc lại sự việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bị phát giác vì nghe lén ở Đức. Đáp lại những phát ngôn của Bộ trưởng Đức, Đại sứ Mỹ tại Đức cáo buộc ông này “thiếu tôn trọng” Washington.

Trong lúc đó, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn lên tiếng bác bỏ quan điểm coi Nga là mối đe dọa đối với NATO. Trong cuộc họp với ông Jens Stoltenberg vào ngày 28/11, ông nói rằng, ông không coi Matxcơva hay Bắc Kinh là “kẻ thù” và chỉ tập trung vào việc làm sao để tạo ra một kiến trúc mới về niềm tin và an ninh ở châu Âu.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Khía cạnh tài chính

Trước thềm cuộc họp tại London, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg báo cáo về sự tăng trưởng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia tham gia Liên minh. Theo đó, năm nay, các quốc gia châu Âu và Canada nói chung đã tăng chi tiêu quân sự lên 4,6%. Ông Stoltenberg cũng cho biết, trong khoảng thời gian đó, 9 thành viên của Khối – Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Litva, Latvia, Bulgaria, Romania và Estonia – đã hoàn thành kế hoạch chi tiêu quốc phòng, phân bổ tối thiểu 2% GDP cho các mục đích này. Năm 2014, chỉ có Mỹ, Anh và Hy Lạp là đạt được chỉ số như vậy.

Tuy nhiên, Đức và Pháp vẫn chi tiêu ít hơn so với mức tiêu chuẩn mà Liên minh đặt ra.

Theo Tổng thư ký NATO, hội nghị thượng đỉnh London cũng sẽ thảo luận về vấn đề “phân phối gánh nặng công bằng hơn trong việc đầu tư” vào phòng thủ.

Đáng chú ý, vào một ngày khác, ông Stoltenberg có lưu ý rằng, Mỹ từ giờ sẽ giảm các khoản đóng góp cho ngân sách NATO từ 22% xuống còn 16%. Còn nhớ, ông Donald Trump, mỗi lần nhắc tới các con số kỷ lục của ngân sách quốc phòng Mỹ, đều đổ lỗi cho các đối tác của Khối trong việc gánh nặng chi phí chính đang đặt lên vai Washington.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, EU có lý khi cho rằng, Washington đang cố gắng thu xếp cho tổ hợp công nghiệp quân sự của riêng mình thông qua các đơn đặt hàng của châu Âu.

Theo đó, vào ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố rằng, Mỹ không nên áp đặt vũ khí của mình lên các quốc gia thuộc Liên minh dưới cái cớ đoàn kết Euro-Atlantic.

Các chuyên gia tin rằng, những phát ngôn kiểu như vậy có thể sẽ còn được đưa ra bởi thực tế là, việc tăng cường lực lượng quân sự của NATO ở biên giới với Nga chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và điều đó vốn không nằm trong lợi ích của các nước châu Âu.

Quá trình quân sự hóa, đang diễn ra ở các quốc gia thành viên của Liên minh, không thể nào củng cố được hệ thống an ninh châu Âu – điều mà các quan chức NATO thường xuyên lên tiếng” - ông Sergei Ermaakov, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến lược Nga, cho biết.

Rất khó có đồng thuận

Các nhà phân tích lưu ý rằng, không chỉ người Pháp không hài lòng với chính sách của Mỹ về việc áp đặt vũ khí do họ sản xuất lên các đối tác. Tranh cãi giữa Washington và Ankara về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga đã không được giải quyết ngay cả sau chuyến thăm tháng 11 của ông Recep Tayyip Erdogan tới Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ông Erdogan kêu gọi công dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ đồng USD.

 S-400 của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã áp đặt lệnh cấm vận đối với việc cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do liên quan đến chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” mà nước này triển khai ở Syria. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp cũng trở nên xấu đi. Theo Associated Press, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết vào Chủ nhật tuần trước rằng, ông dự định sẽ yêu cầu sự giúp đỡ từ Liên minh trong cuộc tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc phỏng vấn ngày 7/11 với tạp chí Economist của ông Emmanuel Macron, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố về sự “chết não” của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. 

Một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải xem xét lại mục đích tồn tại của NATO” - Tổng thống Pháp cho biết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với tinh thần hòa giải rằng, mối quan hệ trong Liên minh chưa bao giờ là hoàn hảo.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người có phản ứng gay gắt hơn cả trước tuyên bố của đồng minh, bằng cách khuyên bản thân ông Macron nên đi “kiểm tra não”. Ngoài ra, ông Erdogan còn tranh thủ tận dụng tình huống này để tuyên bố rằng, quân đội Pháp không có quyền ở Syria.

Ở cấp độ tuyên bố, các quan chức NATO nói rằng, Khối đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc, và đây là một liên minh thành công, được duy trì suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, cái cách mà tình hình xung quanh hội nghị thượng đỉnh này phát triển cho thấy, NATO đã có những vấn đề rất nghiêm trọng” - ông Sergei Ermaakov nhận định.

Chuyên gia lưu ý rằng, văn kiện xác định các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra đối với NATO - đó là “Khái niệm chiến lược” – đã không được cập nhật kể từ năm 2010.

Điều này cho thấy sẽ rất khó để các thành viên Liên minh có thể đạt được sự đồng thuận về các vấn đề chiến lược. Quan điểm của một loạt các quốc gia, liên quan đến việc họ coi đâu là mối đe dọa thực sự, đang mâu thuẫn với nhau” - nguồn tin cho biết.

Kế hoạch mà các nhà lãnh đạo chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh London cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị nội bộ. Một mặt, Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt buộc sẽ phải gặp ông Donald Trump. Nhưng mặt khác, theo tờ Financial Times, trích dẫn nguồn tin thân cận của người đứng đầu chính phủ Vương quốc Anh, người Anh không có kế hoạch tổ chức bất kỳ cuộc họp báo chung nào với nhà lãnh đạo Mỹ, vì lo sợ rằng, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Thủ tướng trước thềm cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào ngày 12/12.

Bên cạnh đó, bản thân ông Trump cũng cảm thấy rất phẫn nộ về việc đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã lên lịch phiên điều trần luận tội ông vào đúng thời điểm diễn ra hội nghị.

Biên giới phía đông

Chuyên gia Sergei Ermakov lưu ý rằng, ông không mong đợi bất kỳ tuyên bố thực sự mới nào tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Đồng thời, theo ý kiến của ông, trung tâm tranh luận, rất có thể, sẽ là nghĩa vụ liên quan đến các quốc gia Đông Âu.

Cả Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, và mỗi quốc gia thành viên sẽ cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, bằng cách thương lương với Washington trong việc hỗ trợ cho Ba Lan và các quốc gia Baltic” - nhà phân tích nhận định.

Truyền thống trước đó đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn đứng các kế hoạch của NATO trong việc bảo vệ các quốc gia Baltic và Ba Lan cho đến khi nào các nước trong Liên minh công nhận các đơn vị người Kurd Syria là khủng bố.

 Lính Mỹ trong cuộc tập trận tại Latvia. (Ảnh: Reuters)

Bình luận về thông tin này, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, theo Ankara, những gì các nước Baltic cần cũng là những gì họ muốn được cung cấp.

Khoảng thời gian khi mà NATO có thể triển khai các chiến dịch thành công, như ở Nam Tư hay ở Libya, đã qua. Khoảng thời gian bất định đã đến” - chuyên gia quân sự Ivan Konovalov cho biết.

Hiện giờ, Khối đang phải đối mặt với câu hỏi tồn tại để làm gì, khi mà không còn sức mạnh như trước đây. Tuy nhiên, vẫn đang có một nỗ lực để làm sống lại tầm quan trọng của NATO. Và điều này diễn ra nhờ vào Nga và trên biên giới với Nga, khi họ tự dựng lên kẻ thù từ Matxcơva” - ông Konovalov cho biết thêm.

Năm tới, NATO có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận lớn nhất trong vòng 25 năm. Trong các bài diễn tập Defender Europe 2020, NATO lên kế hoạch huy động 20 nghìn binh sĩ cùng với các trang thiết bị qua Đại Tây Dương, trong đó có các nước Baltic, tới biên giới Nga trong thời gian ngắn nhất.

Tuy nhiên, theo ông Sergei Ermakov, trong thực tế hiện tại, Nga đang thành công trong việc kiềm chế áp lực từ NATO.

Chúng ta đánh giá tình hình một cách đầy đủ, không tham gia vào bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang nào, để mở cơ hội duy trì sự ổn định, thay vì tiến hành đối đầu. Chúng ta đang hành động trên tất cả các mặt trận, trong đó có quân sự, ngoại giao, chính trị và thông tin” - chuyên gia Nga nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Ivan Konovalov, câu trả lời tốt nhất trước các kế hoạch thù địch của NATO là sự củng cố, tăng cường sức mạnh quân đội Nga trong những năm gần đây.

Tất cả các biện pháp cần thiết để chống lại mối đe dọa từ phương Tây đang được thực hiên - nhà khoa học chính trị Nga kết luận.

Văn Đức

Tin mới