Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gặp gỡ Đại sứ các nước Trung Đông- châu Phi, doanh nghiệp hồ hởi: Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội tốt ở Việt Nam

Cơ hội hợp tác phát triển xuất nhập khẩu giữa thị trường Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi được các đại diện doanh nghiệp đánh giá cao.

Trả lời phóng viên bên lề sự kiện gặp gỡ đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi tại Hà Nội, ông Maher Al Arayssi, Giám đốc văn phòng đại diện công ty C-food International s.a.l, Lebanon cho biết: “Cơ hội xuất khẩu đến Việt Nam rất đáng quan tâm và ngày càng được mở rộng. Rất nhiều công ty lớn đến và đầu tư ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã xuất khẩu đến Việt Nam, các nhà máy ngày càng phát triển và có tiêu chuẩn cao và đây là một thời điểm tuyệt vời. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội rất tốt ở Việt Nam.

Ông chia sẻ mong muốn phân phối các sản phẩm đến Việt Nam cũng như phát triển xuất khẩu từ Việt Nam đến Trung Đông và châu Phi. “Khi đến hội nghị này chúng tôi hy vọng được gặp gỡ giao lưu với các đối tác Việt Nam, gặp gỡ các cơ quan chính phủ để giải quyết những vướng mắc và phát triển sản phẩm của mình. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông chưa lớn lắm và chúng tôi hy vọng có thể phát triển mối quan hệ này trong tương lai.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh:  baoquocte.vn).

Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong muốn giải quyết những rào cản để có thể xuất khẩu từ Việt Nam đi nhiều thị trường hơn, như hiện tại là để có thể xuất khẩu hải sản từ Việt Nam đến Ả rập Xê út. Chúng tôi yêu mến các bạn và tin tưởng vào đầu tư vào Việt Nam cũng như xuất khẩu từ Việt Nam.

Cần đẩy mạnh thương hiệu “made in Vietnam

Ông ADIB Kouteili, đồng sáng lập kiêm Giám đốc công ty PEB Steel Building, cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cần đẩy mạnh kế hoạch để quảng bá thương hiệu. “Dù Việt Nam có nhiều mặt hàng chất lượng tốt nổi tiếng nhưng hiện tại thương hiệu 'made in Vietnam' vẫn cần phát triển nhiều hơn” – ông nói.

Các cơ quan như Bộ Ngoại giao đã tổ chức sự kiện ngày hôm nay rất tuyệt vời. Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương hỗ trợ rất tốt (cho doanh nghiệp)”.

Một điều quan trọng nhất tôi cho là kế hoạch “made in Vietnam” nên được đầu tư nhiều hơn. Để khi người ta nói đến ‘made in Vietnam’ thì ngay lập tức sẽ nghĩ đến sản phẩm tốt. Có rất nhiều sản phẩm đã được làm ở Việt Nam, nhiều công ty đặt dây chuyền sản xuất ở Việt Nam và có chất lượng rất tuyệt vời, nhưng thương hiệu ‘made in Vietnam’ chưa đủ mạnh.

Ông Kouteili nhận định cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng tốt hơn, các điều luật thuận lợi, cơ sở hạ tầng như hậu cần, các tuyến đường vận chuyển và các cảng biển phát triển. “Có thể chuyển hàng giữa Việt Nam và Thái Lan trong vòng 2 ngày” – ông nói.

Các công ty, các quốc gia đều có những khó khăn nhưng đối với Việt Nam thì chúng tôi đã hiểu về hệ thống và các quy định khá thuận lợi, những khó khăn ở đây không nhiều như ở các quốc gia khác. Chúng tôi thực sự tin rằng Việt Nam là một môi trường thuận lợi để đầu tư. Việt Nam là số một!

Các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019. (Ảnh: baoquocte.vn).

Đại sứ Ai Cập cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và khu vực. “Tôi có thể nói mối quan hệ giữa Việt Nam và khu vực đã rất phát triển nhiều trong những năm qua, và còn có thể phát triển hơn rất nhiều.

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi tại Hà Nội. Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông-châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông-châu Phi; có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực với kim ngạch hai chiều đạt trên 17,5 tỷ USD năm 2018, tăng 300% so với năm 2008; đầu tư trên 2,6 tỷ USD vào khu vực và tiếp nhận trên 7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực.

Việt Nam cũng đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, ba-bốn bên, với sự hỗ trợ của một số quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế, về nông nghiệp, y tế, giáo dục… với các quốc gia châu Phi. Viễn thông, lao động… cũng là những điểm sáng trong hợp tác, được dư luận hai bên ghi nhận và đánh giá cao.

Khu vực Trung Đông- châu Phi gồm 70 quốc gia, dân số 1,6 tỷ người, diện tích trên 36 triệu km2, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng. Mặc dù còn nhiều thách thức, song trong những năm qua, các quốc gia Trung Đông-châu Phi không ngừng nỗ lực hội nhập với xu thế chung toàn cầu là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, nâng cao vai trò và tiếng nói trong các vấn đềkhu vực và quốc tế.

17 nước khu vực hiện có Đại sứ quán tại Hà Nội (gồm Iran, Israel, Qatar, Kuwait, Oman, Palestine, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Angola, Algeria, Ai Cập, Lybia, Maroc, Mozambique, Nigeria, Nam Phi) và 52 Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi kiêm nhiệm Việt Nam đặt trụ sở tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanka, Pháp.

Phương Anh

Tin mới