Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Công ty môi giới Hàn Quốc coi phụ nữ Việt như món hàng siêu lời

Các công ty môi giới Hàn Quốc coi phụ nữ Việt như món hàng siêu lời, quảng cáo, rao bán công khai bất chấp quy định của luật môi giới hôn nhân nước này.

Đạo luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc có hiệu lực từ 2007 quy định cấm các công ty môi giới giới thiệu một loạt các cô gái để khách hàng chọn lựa.

Để lách luật, các công ty môi giới tìm đến YouTube. Họ đăng thông tin các "ứng viên" lên trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới này để nam giới Hàn Quốc có thể thoải mái nghiên cứu thông tin đối tượng mà mình muốn cưới làm vợ. 

Cuộc khảo sát 25 kênh YouTube của các công ty môi giới đầu tháng 8/2019 của tổ chức giám sát truyền thông ở Hàn Quốc có tên Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ trả ra kết quả đáng lưu tâm. 

Video "quảng cáo" cô dâu xuất hiện nhan nhản trên YouTube.  

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các kênh này đăng tải hơn 4.500 video. Trong 518 video được tổ chức này nhặt ra ngẫu nhiên, hầu hết đều mang hình thức quảng cáo các cô gái ngoại quốc mà rất nhiều trong số đó là người Việt. 

Các video đăng tải đầy đủ thông tin về các cô gái từ chỉ số chiều cao, ngoại hình cho tới độ tuổi và thông tin về gia đình. Thậm chí trong nhiều quảng cáo, các nhân vật xuất hiện trong video được giới thiệu là "còn trinh" và "biết phục tùng". 

Những người quan tâm có thể "kích" vào từng video, chọn lựa các ứng viên mà họ cảm thấy có hứng thú sau đó liên hệ lại với trung tâm môi giới để bàn bạc thêm. 

Một cuộc khảo sát của đài MBC Hàn Quốc ghi lại nội dung cuộc đối thoại giữa nhân viên trung tâm môi giới và khách hàng cho thấy người đàn ông Hàn Quốc thản nhiên mặc cả về chuyện đối tượng còn hay mất trinh. 

Theo MBC, trong số 500 quảng cáo về cô dâu nước ngoài trên YouTube, cứ 10 cơ sở thì có 4 cơ sở giới thiệu cô dâu như một món hàng và đây là hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ khẳng định việc quảng cáo các cô dâu như những món hàng với các tiêu chí như trên phản ánh thái độ coi thường phụ nữ, đi ngược lại tinh thần Luật Môi giới Hôn nhân của nước này.

Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách truy quét các cơ sở môi giới này. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đăng ký địa chỉ ở nước ngoài. Khi thấy phát sinh vấn đề, họ đổi địa chỉ khác nên rất khó để quản lý.

Trên thực tế, ở Hàn Quốc không thiếu những trung tâm môi giới hôn nhân đàng hoàng, hoạt động theo đúng quy định. Nhưng nhiều cô gái do nhẹ dạ cả tin hoặc do bạn bè giới thiệu vẫn tìm tới các trung tâm coi họ như những món hàng sinh lời. Số khác khát khao tìm kiếm một tấm chồng ở Hàn Quốc nên sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân mà không quan tâm tới nơi mà mình gửi gắm. 

Các trung tâm vẽ ra giúp họ một tương lai màu hồng bên xứ người với những người chồng thành thị, kiếm ra tiền và yêu chiều vợ. Các cô dâu tin tưởng mà không biết rằng trước khi bước chân vào cửa nhà chồng, họ bị mặc cả, đưa qua đẩy lại, miệt thị và khinh rẻ. Bản thân họ hoàn toàn mờ tịt về thông tin người mình sắp kết hôn, có đôi "may mắn" gặp mặt vài lần trước khi dọn về nhà chồng. Một số thậm chí còn không có cơ hội tiếp xúc với chồng Hàn Quốc. 

Tin tưởng vào các trung tâm môi giới, họ mang cuộc đời của mình ra đánh bạc trong "cuộc chơi" lành ít dữ nhiều. Không ít người vỡ mộng khi bị đưa tới những vùng sâu, vùng xa, nơi họ bị gia đình nhà chồng vắt kiệt sức lao động để lo chuyện cơm nước cho cả 1 đại gia đình. 

Nhiều người bị đánh đập, bạo hành rồi phải ngậm ngùi chịu khổ vì không biết tiếng, không thông thạo đường đi, lối lại xứ người.

Với các trung tâm môi giới mang dáng dấp lừa đảo đó, họ chỉ quan tâm tới khoản lợi mà mình kiếm được từ những lần se duyên vô tội vạ giữa chồng Hàn và cô dâu ngoại. Họ sẵn sàng phủi tay khi các cô dâu cầu cứu hay lặn mất tăm khi các cô gái chất vấn về những lời quảng cáo trên trời. 

Cái đích cuối cùng của họ nhắm tới chỉ là tiền và các cô gái chỉ là những công cụ để họ tiến tới mục tiêu này. 

Song Hy

Tin mới