Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Xót thương hoàn cảnh anh thợ điện chết não hiến tạng giúp nhiều người hồi sinh

Sau tai nạn anh Soái bị chết não, bỏ lại vợ, ba con thơ cùng người mẹ già, nhưng anh giúp nhiều người khác hồi sinh nhờ quyết định hiến tạng của gia đình.

Vợ chồng anh Ngọ Văn Soái (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Giang (32 tuổi) quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Anh chị sinh được 3 con, hai trai và một gái. Con trai cả đang học lớp 7, con gái lớp 5 còn con trai út học lớp 4. Công việc chính của chị Giang là làm ruộng, thi thoảng chị có xin đi làm việc thuê cho một số nhà máy cạnh nhà. Do vậy, cả gia đình 5 miệng ăn đều dựa vào nguồn thu nhập chính là anh Soái.

Anh Soái là con út trong một gia đình có 6 anh chị em. Anh kiếm sống bằng nghề lắp điện dân dụng cho các hộ quanh làng. Hôm đó như thường ngày, khi đang đi mua đồ làm công trình cho một gia đình thì tai nạn ập đến, anh Soái bị đâm vào gồ bê tông chắn xe lớn trên đường làng, chấn thương sọ não nặng.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua thăm khám và xét nghiệm các bác sĩ xác định anh Soái không còn nhiều cơ hội sống. Chị Giang gạt nước mắt đưa chồng về nhà.

 Người nhà anh Soái từ biệt anh lần cuối trước khi bước vào ca phẫu thuật hiến tạng.

Không chịu đầu hàng số phận, chị Giang tiếp tục đưa chồng quay trở lại viện lần thứ 2 với hy vọng phép màu sẽ đến. Nhưng sau 2 ngày hồi sức, tình trạng anh vẫn không có chuyển biến gì thêm. Anh Soái bị chết não.

Ban đầu gia đình định đưa anh vẹn nguyên trở về đất mẹ, nhưng khi biết tới nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng, gia đình anh nén đau thương, ký vào đơn đề nghị hiến mô tạng. Anh hiến: 1 tim, 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc, 10 gân và 3 đoạn mạch máu (gân và mạch máu đang lưu trữ ở ngân hàng mô). Trong đó, 4 tạng của anh kịp ghép cứu 4 người bệnh khác.

“Chồng tôi không sống được nữa, nhưng tôi mong muốn một phần cơ thể anh ấy vẫn còn tồn tại đâu đó trên thế giới này”, chị Giang nói.

Anh Ngọ Văn Chinh, anh trai ruột anh Soái chia sẻ: “Dù bố cháu đã mất nhưng tôi mong các cháu được tự hào về bố mình, để một lúc nào đó các cháu được thấy hình ảnh của bố, vơi nỗi nhớ bố hơn”.

Những lời lẽ kỳ thị, cay độc

Trong khi gia đình có quyết định đầy nhân văn, hồi sinh nhiều mảnh đời, thì gia đình anh Soái lại phải nhận bao điều tiếng, cay đắng từ xã hội.

Nhiều người không hiểu biết đã dùng những lời lẽ như cứa vào tim người mẹ già 86 tuổi không còn minh mẫn, người vợ bất chấp tất cả mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho chồng và những đứa con thơ mất bố khi còn quá nhỏ.

Chị Giang đau đớn trước sự ra đi của chồng.

Chị Giang kể, con trai cả của chị đi học bị không ít bạn bè nói: “Bố mày chết rồi”. Con chị trả lời: “Không, bố tao vẫn đang điều trị ở bệnh viện”. Rồi cậu bé đánh nhau với bạn, từ đó trốn tránh ngại đi học, không muốn tới trường nữa.

Còn đứa em nhỏ học lớp 5 đi học bị bạn bè châm chọc những thông tin sai sự thật mà chúng nghe được tử người lớn: “Bố mày bị lấy mất tạng…”.

“Về nhà cháu buồn lắm, chỉ biết ôm mẹ khóc”, chị Giang gạt nước mắt kể lại.

Cũng theo chị Giang, từ lúc gia đình quyết định hiến mô/tạng cứu người, bà con thôn xóm có những bàn tán, xôn sao  rằng: Tại sao anh Soái ngã nhẹ như vậy mà cũng dẫn đến chết não? Hay là có lý do nào khác? Chắc gia đình bán tạng được vài trăm triệu rồi đây?

Nghe những lời đau đớn ấy, gia đình chị chỉ biết gạt nước mắt, cố gắng chăm sóc mẹ già và ba con thơ.

Khả Minh

Tin mới