Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sở hữu làn da đàn hồi nhất thế giới, 'dị nhân' có thể kéo da ở cổ lên như chiếc khẩu trang

Garry Stretch Turner, ở Anh, sở hữu làn da đàn hồi có thể giãn cách xa bụng tới 16 cm hoặc kéo vùng da ở cổ lên che mặt như chiếc khẩu trang.

Năm 1999, Garry Stretch Turner, ở Anh, ghi tên mình vào sách Kỷ lục Guiness Thế giới với danh hiệu "người đàn ông có làn da đàn hồi nhất thế giới". Garry có khả năng kéo dài da bụng của mình tới 16 cm về phía trước. Anh thậm chí có thể kéo phần da ở cổ che kín hàm dưới như khẩu trang hoặc kéo da ở trán xuống che cả hai mắt.

Theo Live Science, sự thật là Garry mắc phải hội chứng Elhers-Danlos, dạng rối loạn của các mô liên kết ảnh hưởng đến da, dây chằng và cơ quan nội tạng. Đây là căn bệnh rất hiếm gặp, khoảng 5.000 người trên thế giới mới có một trường hợp mắc phải. Bệnh không có thuốc chữa trị.

Garry có thể kéo da ở cổ lên như chiếc khẩu trang. (Ảnh: Guinnessworldrecords)

10 tuổi biết rằng mình khác biệt

Garry Stretch Turner sinh năm 1971 ở Lincolnshire, Anh. Khi mới 4 tuổi, Garry đã nhận thức được làn da của anh bị giãn nở. "Khi đó, người chú ruột 10 tuổi kéo da của tôi và chỉ cho mọi người xem. Phản ứng của họ khiến tôi biết rằng mình khác biệt", anh Garry chia sẻ.

Trong suốt những năm đi học, Garry rất thích chơi thể thao, nhưng do thể trạng khác biệt, anh thường xuyên bị chảy máu, bầm tím và khó lành. Nếu bị thương, Garry sẽ chảy rất nhiều máu. Ban đầu, các bác sĩ nghĩ đó là bệnh máu khó đông.

Khi Garry 13 tuổi, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân khiến làn da đàn hồi này là hội chứng Ehlers-Danlos. Garry cho biết làn da của anh mỏng gấp đôi người bình thường.

"Nếu nhìn vào tế bào da của mình dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy chúng rất đẹp, tròn trịa và liên kết với nhau. Nhưng tế bào da của tôi lại rời rạc và không bám chắc chắn vào nhau. Bạn có thể không tin nhưng nó mỏng như tờ giấy vậy", anh nói.

Garry là thành viên của một gánh xiếc quái dị ở London, gồm những nhân vật có ngoại hình đặc biệt, thường xuyên đi biểu diễn ở khắp mọi nơi. Anh cho biết không cảm thấy đau đớn mỗi khi kéo giãn da để biểu diễn. Tuy nhiên, các khớp xương của người đàn ông này rất yếu và đau, nhất là khi vừa ngủ dậy.

Hội chứng Ehlers-Danlos là gì?

Đây là rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết, chủ yếu là da, khớp và thành mạch máu. Những người mắc hội chứng Ehlers-Danlos thường có các khớp mềm dẻo quá mức và làn da căng giãn, mỏng manh. Điều này trở nên khó khăn khi người bệnh bị thương, chảy máu, cần phải khâu vì da không đủ khỏe để giữ các vết khâu.

Triệu chứng thường gặp của hội chứng Ehlers-Danlos bao gồm khớp lỏng lẻo; da mỏng và đàn hồi cao; dễ bị bầm tím, nếp gấp thừa trên mắt; đau và mỏi cơ bắp. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng rất khác nhau ở mỗi người. Một số người mắc hội chứng Ehlers-Danlos có các khớp quá mềm dẻo, nhưng ít hoặc không gặp vấn đề về da.

Những người mắc hội chứng Ehlers-Danlos thường có làn da căng giãn, mỏng manh. (Ảnh: Avas)

Hội chứng Ehlers-Danlos có thể gây khó thở, các vấn đề về răng miệng, bệnh tim, thậm chí vỡ thành mạch máu, tử cung hoặc ruột. Những tổn thương này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt trong khi mang thai. Nó thậm chí gây tử vong nếu vỡ mạch máu trầm trọng.

Trong mọi trường hợp, Ehlers-Danlos chủ yếu liên quan đến rối loạn di truyền, có nghĩa là một hoặc nhiều bất thường di truyền là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Nguy cơ cha mẹ di truyền đột biến gen cho con cái là 25-50%.

Theo Medical News Today, không có phương pháp chữa trị cho hội chứng Ehlers-Danlos, nhưng nhiều cách điều trị có thể giúp bạn kiểm soát biến chứng:

- Vật lý trị liệu và tập thể dục: Các khớp với mô liên kết yếu thường có xu hướng bị xô lệch. Các bài tập để tăng cường các cơ xung quanh khớp có thể giúp khớp ổn định hơn.

- Thuốc: Hội chứng Ehlers-Danlos có thể dẫn đến đau mạn tính và khó chịu, thường ở khớp, cơ hoặc dây thần kinh. Nó cũng gây ra các vấn đề về dạ dày và đau đầu. Sử dụng thuốc là cách để kiểm soát cơn đau cho người bệnh. Một số thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin). Chấn thương cấp tính có thể cần thuốc giảm đau theo toa.

- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để sửa chữa tổn thương khớp, các mạch máu bị vỡ, giảm áp lực lên dây thần kinh. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây ra nhiều rủi ro vì khả năng lành của bệnh nhân rất chậm.

Zing/Live Science

Tin mới