Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toan tính của Triều Tiên khi tuyên bố phát triển vũ khí mới?

(VTC News) -

Ngoài củng cố sức mạnh quân sự, tuyên bố phát triển vũ khí mới của Triều Tiên là thông điệp chính trị gửi tới Washington.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo thế giới sẽ sớm chứng kiến vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên, và không còn lý do gì để Bình Nhưỡng duy trì hạn chế các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và hạt nhân. Những bình luận của ông Kim là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Triều Tiên có thể nối lại một số thử nghiệm lớn mà họ đã đình chỉ hơn hai năm để tham gia tiến trình ngoại giao với Mỹ.

Theo Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), sau nhiều năm phát triển, các chương trình vũ khí của Triều Tiên hiện đủ tiên tiến đến mức sẽ khó dự đoán những gì họ có thể thử nghiệm.

Ông Kim Jong-un giám sát thử nghiệm pháo phóng loạt siêu lớn, ảnh công bố hôm 29/11/2019, theo truyền thông Triều Tiên. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Các quan chức quân đội Mỹ nhận định một vụ phóng tên lửa tầm xa là khả năng lớn nhất. Các chuyên gia khác cho rằng Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh, triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới mà họ cho biết đang phát triển, hoặc sản xuất các "xe mang phóng tự hành" (transporter erector launcher-TEL) nội địa cho các tên lửa lớn nhất của mình.

Theo Grace Liu, một nhà nghiên cứu tại CNS, dù là thử nghiệm hay diễn tập cũng sẽ cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí nhanh hơn, tầm xa hơn hoặc đáng tin cậy hơn, giúp những người vận hành các hệ thống này được tiếp xúc và thực hành sử dụng, triển khai vũ khí nhiều hơn.

Động cơ tên lửa

Vào tháng 12/2019, Triều Tiên cho biết đã thực hiện hai cuộc thử nghiệm quan trọng tại bãi phóng vệ tinh Sohae, nhằm phát triển vũ khí chiến lược chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ. Mặc dù truyền thông nhà nước Triều Tiên không cho biết chính xác những gì được thử nghiệm, hoặc vũ khí mới là gì, các quan chức ở Washington và Seoul cho biết có vẻ như Triều Tiên đã thử động cơ tên lửa cho ICBM.

Theo ông Ankit Panda, thành viên Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Triều Tiên có thể làm việc để phát triển các động cơ nhiên liệu lỏng tốt hơn hoặc xem lại các động cơ cũ từng gặp rắc rối. Các nhà phân tích cũng suy đoán Triều Tiên có thể đang phát triển cải thiện động cơ tên lửa rắn (SRM), để có thêm những ưu điểm như dễ dàng cất giữ và vận chuyển hơn.

Các SRM cũng rất quan trọng đối với những nỗ lực của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). "Cho đến nay, mỗi tên lửa mà họ thử nghiệm năm 2019 đã sử dụng một động cơ tên lửa rắn và họ rõ ràng đã trở nên lão luyện hơn trong việc sản xuất các động cơ này với các đường kính khác nhau", ông Panda nhận xét. "Việc chuyển sang các SRM có kích thước phù hợp với ICBM có thể có nhiều thách thức, nhưng có lẽ Triều Tiên sẽ thể hiện được bước đột phá trên lĩnh vực này."

Ông Kim Jong-un chỉ thị cho một chương trình vũ khí hạt nhân, trong bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố ngày 3/9/2017. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Phương tiện tái nhập và đầu đạn hạt nhân

Một đầu đạn được ICBM phóng ra sẽ cần một phương tiện tái nhập bảo vệ, giúp nó "sống sót" trong quá trình tái nhập bầu khí quyển để bắn trúng mục tiêu. Sau khi phóng ICBM lớn nhất vào tháng 11/2017, Hwasong-15, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết đã xác nhận được đầu đạn an toàn trong thử nghiệm của họ.

Nhưng các quan chức quân đội Mỹ sau đó nói thử nghiệm của Triều Tiên chưa đủ chứng minh phương tiện tái nhập sống sót được, dù không phủ nhận khả năng.

Trong thử nghiệm ICBM cuối cùng của Triều Tiên năm 2017, các nhà khoa học nước này có thể đã thu thập được dữ liệu hữu ích về cách các phương tiện tái nhập hoạt động. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm được tiến hành trên một "quỹ đạo cao hơn bình thường" (lofted trajectory), nên một số dữ liệu có thể không hữu ích lắm, vì quỹ đạo tên lửa trong thực chiến sẽ khác rất nhiều, chuyên gia nói thêm.

"Lá bài" cuối cùng mà Triều Tiên có thể đưa ra là thử nghiệm khí quyển cho đầu đạn hạt nhân, dù nhiều nhà phân tích dự đoán khả năng này là không nhiều, do nguy cơ chọc giận những người ủng hộ Bình Nhưỡng ở Bắc Kinh và Matxcơva. Triều Tiên được cho là đã tiếp tục sản xuất vật liệu cho vũ khí hạt nhân, và các nhà phân tích cho biết họ có khả năng sẽ tiếp tục dự trữ thêm các đầu đạn hạt nhân trong khi tìm cách làm cho chúng nhỏ hơn nữa. 

Đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa

Năm 2019, Triều Tiên thực hiện một số thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn mới như KN-23. Các chuyên gia cho rằng những thử nghiệm này nhằm giúp họ tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn.

Năm 2020, Triều Tiên có thể tìm cách phát triển phương tiện tái nhập nhiều đầu đạn (multiple reentry vehicles - MRV) cho các tên lửa đường kính lớn như Hwasong-15, ông Panda cho biết.

"Thêm nhiều đầu đạn hạt nhân vào tên lửa có thể tăng cường khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và, trong trường hợp đầu đạn của họ có vấn đề, nhiều đầu đạn sẽ làm tăng khả năng phát nổ thành công".

Markus Schiller, một chuyên gia tên lửa làm việc tại châu Âu, nói Triều Tiên thường tập trung nhiều hơn vào vũ khí mới thay vì phát triển những vũ khí họ đã có. Ông Schiller cho biết một công nghệ có thể gây chú ý mà Triều Tiên đang tìm có thể là phương tiện trượt lượn siêu thanh (HGV), được định nghĩa là những vũ khí di chuyển nhanh hơn Mach 5 (6.174km/h) và có khả năng di chuyển phức tạp trong toàn bộ chuyến bay.

"Có lẽ họ sẽ đưa ra một mô hình thiết kế HGV, hoặc phóng KN-23 trên một tên lửa lớn hơn và cho nó thực hiện một số thao tác trong khi tuyên bố đã phóng HGV", ông Schiller nói. "Bằng cách này, họ có thể tiết kiệm tài nguyên hạn chế của mình và 'chơi cùng một trò chơi' như những năm qua".

Phương Anh (Nguồn: Reuters)

Tin mới