Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện lạ ở Sơn La: 14 tuổi, học cấp 2 đã lấy chồng, chửa đẻ

Cô bé D. năm nay mới 14 tuổi, mặt non choẹt, còn vụng khâu vá, nhưng cũng đã sắp cho mình một anh chồng.

(VTC News) - Cô bé D. năm nay mới 14 tuổi, mặt non choẹt, còn vụng khâu vá, nhưng cũng đã sắp cho mình một anh chồng.



Kỳ 1: 14 tuổi đã lấy chồng



Đang là học sinh lớp 8, lớp 9 trường THCS Lóng Luông, nhiều em đã làm dâu nhà người. Những đôi vợ chồng nhí vội vàng góp gạo thổi cơm chung rồi sinh con đẻ cái ở độ tuổi trăng rằm, không còn là chuyện hiếm ở đất Vân Hồ.



Thích thì cưới



Bản Lóng Luông vào những ngày này sôi động hơn thường lệ. Nhạc đám cưới đập thình thình vang cả bản. Bà con dân bản cũng bận tíu tít, vì hầu như nhà nào trong bản cũng có quan hệ thân thiết với gia đình cô dâu, chú rể. Các thiếu nữ người Mông mặt trẻ măng đã khoác lên mình bộ váy cưới. Những sơn nữ chưa kịp lớn đã cập bến nhà chồng. Nói như trưởng bản Lóng Luông Giàng A Páo: “Ở đất này nó thế. Chẳng ai cấm được đâu. Chúng ưng cái bụng là ở với nhau thôi mà”.



So với những vị Trưởng bản tiền nhiệm, anh Páo thuộc thế hệ sau là người trẻ, năm nay mới ngoài 30 tuổi. Anh Páo là người gương mẫu khi cưới vợ đúng độ tuổi. Việc này là tốt với bản thân mỗi người, nhưng nhiều gia đình nơi này lại không cho rằng việc đó là tốt với họ. Tranh thủ ngày nông nhàn, họ cho con cái lấy vợ để nhà có thêm người làm.



Năm nào trường THCS Lóng Luông cũng có học sinh lấy chồng 

Đến thăm gia đình vợ chồng trẻ Tráng Thị D., tôi giật mình ngỡ ngàng, không hiểu họ lấy nhau sớm đến thế để làm gì?!. Cô bé D. năm nay mới 14 tuổi, mặt non choẹt. D. đã biết nấu cơm và đi nương, nhưng khâu vá còn vụng lắm vì chưa học hết bài mà mẹ truyền cho. Mỗi khi D. nói đến chồng, D. còn đỏ mặt, ngượng ngùng. D. gọi chồng là nó.



Ở nhà chồng, D. cũng phải dậy sớm nấu cơm, nấu nước, phục vụ gia đình nhà chồng. Vợ chồng D. vẫn tị nhau làm từng việc, thậm chí còn tranh nhau quà khi mẹ đi chợ về. D. bảo: “Em mới cưới đầu năm. Nó thích em, em cũng thích nó. Thế là chúng em cưới nhau thôi”.



Chồng của D. năm nay mới 17 tuổi. Tuổi này ở dưới xuôi, bọn trẻ con vô tư chơi đùa, ấy vậy mà nay chồng D. đã gánh vác cả một gia đình. Bố mẹ chồng đang tính sẽ cho vợ chồng D. ở riêng. Đôi trẻ nghe chuyện được ở riêng có vẻ thích thú, vì được tự do, tự tại.



Dường như việc trai gái mới chớm tuổi dậy thì lấy nhau là một điều thích thú đối với thanh niên nơi đây. Gia đình nào có con 18 hay 20 tuổi mà chưa chịu “ghép” đôi là bà con nhìn với con mắt khác. Trưởng bản Páo bảo, bản Lóng Luông có “thành tích” đứng đầu xã về tình trạng tảo hôn. Đến giờ đã có 12 trường hợp lấy nhau chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn.

Video đám cưới của cô dâu 2 tuổi




Không riêng gì bản Lóng Luông, tại các bản Pa Kha, Lũng Xá, Tà Dê, Co Lóng tình trạng các em gái mới 14-15 tuổi đã về làm dâu nhà người diễn ra thường xuyên. Nó bình thường đến nỗi, các gia đình của đôi trai gái lại lấy làm mừng vì con mình lập gia thất sớm.



Cô giáo không dám đi ăn cưới học sinh



Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng đó là cái lẽ đời ở đâu cũng vậy. Tuy nhiên ở Lóng Luông những cô bé còn đang ở độ tuổi đi học cũng sẵn sàng xếp bút nghiên lại để lo cái chuyện đại sự của mình trước. Ở trường THCS Lóng Luông năm nào cũng có học sinh lớp 9 đi lấy chồng. Nhà trường đang đau đầu về chuyện này bởi lẽ nhiều em lấy chồng, có khi các cô giáo không biết. Chỉ đến khi các bạn trong lớp nói chuyện, nhà trường mới phát hiện và đi xác minh thì mới té ngửa hóa ra nhiều em học sinh lớp của mình đã có chồng rồi.



Các giáo viên nơi đây đến giờ vẫn nhớ về một em học sinh nữ là người dân tộc Mông. Đó là em Tráng Thị S. đang học lớp 9 thì lấy chồng. Hàng ngày em vẫn đến lớp đều đặn. Gần hết học kì I, giáo viên tá hỏa khi thấy cái bụng của S. đã lùm lùm lên rồi. Sau đó vài tháng S. sinh con, chưa kịp làm tốt nghiệp cấp II. Nghỉ đẻ được mấy tháng, S. xin đi học lại. Tinh thần hiếu học của S. thật đáng ghi nhận. Nhà trường chiếu cố để S. tiếp tục được học.



Các thiếu nữ người Mông lấy chồng ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới 

Giống như Sang, ở lớp 9C có một cô bé cũng vừa tổ chức đám cưới là Tếnh Thị D. D. học rất tốt, nhưng D. có người yêu rồi nên D. phải cưới sớm. D. bảo, D. lấy chồng rồi, D. vẫn thích đi học. Chồng của D. cũng đang đi học cấp III. Bố mẹ chồng hay động viên D. cố gắng học hết lớp 9 rồi về nhà sinh con, đẻ cái cho nhà chồng. D. chia sẻ, D. thích được đi học cùng chồng lắm. Gia đình chồng thì không thích điều đó lắm vì vợ chồng cùng đi học lấy ai là người làm. Nhà chồng cũng khó nên không có đủ tiền để lo cho hai đứa đi học.



Có lẽ trường hợp của vợ chồng D. là rất hiếm hoi ở đất Lóng Luông này. Thường thì khi lấy vợ, nhiều chàng trai vẫn cố gắng theo học con chữ, các cô gái phải “hy sinh” cho chồng bằng cách ở nhà đi nương. D. vẫn hy vọng, gia đình chồng sẽ thay đổi quyết định để cho D. đi học cấp III.



Ngày trước, các thầy cô giáo ở trường THCS Lóng Luông luôn có một ước ao cháy bỏng là mỗi khi học sinh xếp hàng vào lớp sẽ nhìn thấy một vài em gái mặc váy thổ cẩm tung tăng trong hàng – nghĩa là có một vài em học sinh nữ đi học là vui lắm rồi. Mấy năm gần đây, nhờ sự tuyên truyền kịp thời của thầy cô, hơn nữa một số phụ huynh nhận thức tốt hơn đã cho con gái đi học. Đó là tín hiệu đáng mừng với những người gieo chữ ở nơi này. Song có một tình trạng mà bất cứ một giáo viên nào cũng buồn khi nhắc đến là nhiều học sinh lớp 9 gửi giấy mời giáo viên đi dự đám cưới của mình.



Mùa hoa cải nở cũng là lúc các chàng trai, cô gái người Mông tổ chức đám cưới  

Một giáo viên có thâm niên lâu năm ở trường Lóng Luông kể, học trò yêu quý mình lắm mới mạnh dạn gửi giấy mời dự đám cưới. Ai cũng chạnh lòng khi cầm tờ thiếp mời đó. “Các em còn quá nhỏ, chưa hiểu hết lẽ đời. Thậm chí nhiều em còn chưa biết thế nào là vợ chồng cũng vẫn cứ cưới. Dường như các em cưới theo phong trào, không lấy sớm lo mình sẽ bị “ế”. Và tất nhiên là chúng tôi không ai đi dự đám cưới đó. Nếu mình đến hóa ra mình ủng hộ các em tảo hôn à”, một giáo viên tâm sự.



Trường THCS Lóng Luông có 5 em học sinh đang học lớp 9 đã lấy chồng. Hàng ngày các em vẫn đến lớp đều đặn. Tinh thần đó là đáng ghi nhận, duy có điều là việc học của các em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Sau thời gian lấy chồng vài tháng, nhiều em đã chia tay trường lớp vĩnh viễn để bước vào giai đoạn làm mẹ. Một điều thật chua xót đối với những người gieo chữ trên non vì không giữ được các em tiếp tục sự nghiệp học hành.



Còn tiếp...



Tùy Phong - Linh Nhi

Nguồn:

Tin mới