Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phân trần doanh thu chục tỷ đồng    

Ông Nguyễn Văn Khôi, đại diện nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, thực tế doanh thu "khủng" của trạm BOT này phải “gánh” cho rất nhiều chi phí khác.

Con số 57,9 tỷ đồng từ doanh thu trong tháng 5/2019 của trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đang làm dấy lên những tranh cãi. Theo các chuyên gia kinh tế, với mức thu đạt gần 2 tỷ/ngày, trạm không cần phải đến 17 năm 3 tháng mới hoàn vốn như hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT. Thời hạn này có thể được rút ngắn rất nhiều.

Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết, nếu thu được nhiều thì thời gian thu sẽ rút ngắn, còn nếu thu ít thì thời gian thu sẽ kéo dài hơn.

Ông Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, doanh thu đạt được từ trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện nay vượt xa dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Khôi, chưa thể khẳng định doanh thu này sẽ ổn định trong vài năm tới. “Lưu lượng thay đổi, đột biến là điều hoàn toàn xảy ra do sự phát triển của các cơ sở hạ tầng khác”.

 Trạm  BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Chia sẻ về những ồn ào xung quanh doanh thu gần 2 tỷ/ngày, ông Khôi nhấn mạnh, thực tế doanh nghiệp chỉ được hưởng mức lợi nhuận định mức là 11,5%. “Con số 57,9 tỷ đồng phải gánh cho rất nhiều các chi phí khác như việc trả lãi ngân hàng, trả tiền gốc của nhà đầu tư bỏ ra, phí bảo trì, quản lý… Không phải nhìn vào các con số rồi nói chúng tôi thu nhiều được. Mức thu đã có trong quy định và việc bao giờ hoàn vốn để trả lại đường cho Nhà nước còn phải được tính toán lại”, đại diện nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khẳng định.

Về sự việc bị Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí từ ngày 10/6 để hoàn thành công tác sao lưu dữ liệu, ông Khôi cho rằng không nên gọi sự việc đó là “lệnh cấm, càng không phải là sự cố”.

Theo ông Khôi, thực tế doanh nghiệp này đã đưa vào hoạt động hệ thống sao lưu dữ liệu đồng bộ, lưu trữ hình ảnh trong 45 ngày và 1 năm đối với số liệu. Tại thời điểm Tổng cục Đường Bộ yêu cầu nâng cấp hoàn thành sao lưu dữ liệu theo thông tư 49, doanh nghiệp đã tích cực triển khai và hoàn thành trước ngày 30/5/2019.

Tuy nhiên trước đó, ngày 24/5/2019, Tổng cục Đường bộ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về công tác sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí do công ty này quản lý, với nội dung: "Tổng cục Đường bộ sẽ yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi công ty thực hiện sao lưu giữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định".

Nói về văn bản này, ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Bộ GTVT hay Tổng Cục Đường bộ không nên dùng mệnh lệnh hành chính đối với các doanh nghiệp.

“Chúng tôi với Bộ GTVT là 2 chủ thế của 1 hợp đồng. Nếu chúng tôi làm gì sai thì Bộ có thể kiện ra tòa chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính hay ép điều gì”, ông Khôi nói.

Ông Khôi cũng khẳng định, hiện việc thu phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là minh bạch, công khai. Tất cả quá trình thu phí đã được kiểm soát thông qua hệ thống dây chuyền thu phí có công nghệ đúng theo yêu cầu của Bộ GTVT.

Theo đại diện nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ đang có dự án đấu nối tất cả các đường truyền từ các trạm BOT về Tổng cục hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước. Khi dự án này hoàn thành, họ không cần xuống kiểm tra mà vẫn có thể nhìn thấy các số liệu cụ thể cả về doanh số và hình ảnh. Còn hiện nay, Tổng cục Đường bộ vẫn giao cho đơn vị chức năng kiểm tra, trung bình mỗi tháng một lần.

Đào Bích

Tin mới