Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liên tiếp sự cố sản khoa nghi do thuốc gây tê, vì sao Cục quản lý Dược vẫn im lặng?

Liên tiếp xảy ra những tai biến sản khoa nghi do dùng thuốc gây tê tại Đà Nẵng, nhưng đến nay Cục quản lý Dược, Bộ Y tế vẫn chưa có bất cứ cảnh báo nào.

Mới đây tại Đà Nẵng, hai người chết và một người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ nữ, nghi do thuốc gây tê. Sau đó, một số tỉnh có văn bản ngưng sử dụng loại thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy do Ba Lan sản xuất. Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI – Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng.

Chiều 21/11, Sở Y tế Quảng Nam ban hành văn bản gửi các đơn vị công lập và bệnh viện đa khoa ngoài công lập về việc tạm dừng sử dụng loại thuốc gây tê trên.

Cùng ngày, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo về việc sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy. Theo đó các trường hợp sử dụng thuốc này tại cơ sở có biểu hiện mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau không tốt, độ giãn cơ không tốt. Sở Y tế Quảng Ngãi cũng xác nhận đã chỉ đạo các địa phương chuyển sang dùng thuốc khác hoặc gây mê thay cho  Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy.

Tại Đà Nẵng, theo bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, dù chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân các sản phụ thiệt mạng nhưng để loại trừ nguy cơ, Sở yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn dừng sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivaicane nói trên.

 Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nơi vừa xảy ra sự cố đáng tiếc khiến 2 người chết, 1 người nguy kịch.

Từ tháng 4/2019, Sở Y tế Cần Thơ có công văn về việc thay thế thuốc trúng thầu, loại dùng gây tê tủy sống do Ba Lan sản xuất sang loại của Pháp sản xuất.

Theo ông Nguyễn Phước Tồn, Phó giám đốc Sở, một số bệnh viện trên địa bàn như Phụ sản, Đa khoa Thành phố Cần Thơ và Đa khoa Trung ương Cần Thơ sau khi sử dụng đều phản ánh về sự cố khi dùng Bupivaicane. Các bệnh viện  đề nghị dùng trở lại loại thuốc gây tê cũ của Pháp.

Sở Y tế Cần Thơ có văn bản gửi Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) từ thời điểm đó nhưng đến nay vẫn chưa có công văn trả lời.

Không chỉ vậy, tính riêng từ đầu năm 2019, ngoài Cần Thơ, một số tỉnh như Long An, Bến Tre cũng có báo cáo về loại thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các bệnh viện phía Nam cũng ghi nhận thuốc này có hiệu quả giảm đau không an toàn, làm tụt huyết áp kéo dài, thậm chí một số trường hợp gây sốc, co giật.

Ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các gia đình và sản phụ trong vụ tai biến sản khoa tại Đà Nẵng. Ông cho biết, vụ hai người chết, một nguy kịch sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng là sự cố y khoa nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc vẫn đang được làm rõ.

Ông Sơn cũng khẳng định, hiện chưa thể đưa ra kết luận do thuốc vì cần xem xét nhiều yếu tố. Về độ an toàn của thuốc, Bộ sẽ có kết quả sau khoảng 1 tuần, nhưng để đánh giá có tạp chất trong thuốc hay không thì phải mất 1,5 tháng.

“Bộ sẽ kiểm tra đồng thời nghiên cứu tài liệu mới có thể đưa ra khuyến cáo chính thức do việc khuyến cáo ngưng dùng một loại thuốc sẽ ảnh hưởng đến công tác điều trị và mua sắm”, ông Sơn nói.

Như vậy, từ khá lâu một số nơi nhận thấy nguy hiểm có thể có khi dùng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy. Có nơi gửi văn bản cho Cục Quản lý Dược từ tháng 4/2019 nhưng tới nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Sau liên tiếp sự cố sản khoa thì đến nay, Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý Dược vẫn chưa đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào. Đơn vị quản lý này cũng chưa có động thái thu hồi hay chỉ đạo tạm dừng việc sử dụng đối với loại thuốc gây tê trên.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có chậm trễ trong việc cảnh báo và giải quyết vụ việc liên quan tới những sự cố y khoa đáng tiếc nói trên?, dư luận đặt câu hỏi.

Trong tháng 10 và 11/2019 xảy ra 3 vụ tai biến sản khoa khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng khiến hai sản phụ thiệt mạng và một người nguy kịch.

Khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ V.T.N.S. (33 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, mang thai 38 tuần 3 ngày) vào Bệnh viện Phụ nữ trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến 11h20 cùng ngày, các bác sĩ gây tê tủy sống, mổ lấy thai cho sản phụ.

Cuối ca mổ, bệnh nhân bất ngờ có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh nên được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Chị S. qua đời sau đó.

Sản phụ N.T.H. (33 tuổi, trú quận Liên Chiểu, mang thai 37 tuần 1 ngày) cũng nhập viện ngày 17/11 trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ và được chuyển ngay vào phòng mổ. Sau khi gây tê tủy sống, chị H. có biểu hiện tê, đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại đây, sau khi mổ lấy thai, chị H. được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực- Chống độc trong tình trạng nguy kịch.

Khoảng cuối tháng 10, sản phụ L.H.P.T. (sinh năm 1987, trú quận Hải Châu) cũng vào Bệnh viện Phụ nữ mổ sinh con và qua đời với các triệu chứng tương tự.

Khả Minh

Tin mới