Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ dự án sân bay Long Thành: Thiếu vốn, các nước xây sân bay như thế nào?

Dự án xây sân bay Long Thành được kỳ vọng làm giảm 'gánh nặng' cho Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, trên thế giới, nhiều quốc gia không chọn phương án như thế này.

Thông tin dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được giao đất từ tháng 6/2020 tiếp tục làm "nóng" dư luận. Không chỉ có tổng mức đầu tư "khủng" lên đến 100.000 tỷ đồng, dự án còn gây tranh cãi bởi 3 phương án được đưa ra để thực hiện đều bộc lộ những hạn chế nhất định.

Bình luận về sân bay này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã liên tưởng đến một số dự án xây sân bay trên thế giới, trong đó có sân bay Lisbon (hay còn gọi là sân bay Lisboa, Bồ Đào Nha) và sân bay Barcelona (Tây Ban Nha).

VTC News giới thiệu ý kiến phân tích này của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống.

Có nhiều bài học trên thế giới về việc mở rộng và tăng năng suất sân bay hiện hữu trong thành phố chứ không xây dựng sân bay mới để thay thế ở xa thành phố như trường hợp sân bay Lisbon, Barcelona...

Bài học sân bay Lisbon và sân bay Barcelona rất đáng xem xét vì gần với hoàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay Lisbon nằm ở thành phố Lisboa, Thủ đô Bồ Đào Nha, chỉ cách trung tâm thành phố 10 km với năng suất năm 2013 là 16 triệu khách. Bắt đầu từ năm 1973, xuất hiện những tranh luận về việc giữ lại sân bay này ở vị trí hiện hữu hay xây dựng một sân bay mới xa trung tâm thành phố.

Năm 2007, một nghiên cứu độc lập đề nghị chọn Alcochete – một sân bay quân sự sẵn sàng giao lại cho dân sự nếu có địa điểm khác thích hợp cho quân sự. Một nghiên cứu khác được thuê thực hiện cũng cho kết luận chọn Alcochete (cách Lisbon 15,6 km) là vị trí tốt nhất.

Trong thời gian cân nhắc di dời và chọn thời điểm phù hợp cho việc khởi công xây dựng sân bay mới, nhà ga ở sân bay Lisbon vẫn tiếp tục được đầu tư mở rộng.

Việc chọn địa điểm mới cho sân bay Lisbon được tuyên bố chính thức vào năm 2008, sau hơn 35 năm nghiên cứu về nhu cầu gia tăng năng suất cho sân bay (từ 1973).

Nhưng đến giữa năm 2013, việc chọn địa điểm sân bay mới này bị loại bỏ khỏi kế hoạch chiến lược của Bộ Giao thông Vận tải Bồ Đào Nha, do nhu cầu cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Thay vào đó, sân bay hiện hữu được đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu hàng không gia tăng. Năng suất sân bay Lisbon năm 2018 vừa qua là 29 triệu khách.

Mô phỏng quy hoạch sân bay Long Thành.

Barcelona là sân bay lớn thứ nhì của Tây Ban Nha, chỉ sau sân bay Madrid Barajas và là sân bay đông khách thứ 39 trên thế giới năm 2013 với 35,2 triệu khách. Sân bay cách trung tâm thành phố 12 km.

Năm 2007, sân bay với diện tích 845 ha đã đón nhận 32,9 triệu khách khi chỉ có khả năng đón 33 triệu khách/năm. Trước đó, nhà điều khiển không lưu mới đã được khởi công xây dựng và đến năm 2006 thì khánh thành. Nhà ga hành khách mới với diện tích 545.000 m2 cũng được khởi công tiếp theo và khánh thành năm 2009. Năng suất thiết kế của sân bay được nâng lên 55 triệu khách/năm.

Tuy nhiên trong thời gian cải tạo xây dựng nhà ga, năng suất thực tế của sân bay giảm còn 27,3 triệu khách năm 2009, sau đó tăng dần lên hàng năm và trở thành sân bay đông khách thứ 34 trên thế giới năm 2012 với 35,1 triệu khách.

Năm 2012, sân bay Barcelona cũng hoàn tất việc xây dựng thêm nhà ga hành khách mới nữa và mở rộng diện tích lên thành 1.533 ha với 3 đường băng cất, hạ cánh dài 2.528 m, 2.660 m và 3.352 m để có năng suất thiết kế 70 triệu khách/năm. Năm 2018 vừa qua sân bay phục vụ trên 50 triệu khách.

Như thế, có thể thấy, vì thiếu vốn mà sân bay Lisbon được duy trì và phát triển ở vị trí cách trung tâm thành phố 10 km. Còn sân bay Barcelona cách trung tâm thành phố 12 km cũng đã được mở rộng, nâng cao năng suất thay vì xây sân bay khác ở xa hơn. Và hiệu quả nhìn thấy rõ rệt. Đây cũng là hướng đáng để sân bay Long Thành tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Tin mới