Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gọi áo dài là 'phong cách Trung Quốc': Thâm ý nguy hiểm của Trung Quốc

Nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định, việc gọi áo dài, nón lá Việt Nam là 'phong cách Trung Quốc', thể hiện thâm ý nguy hiểm của Trung Quốc.

Tháng 10/2018, thương hiệu Ne-Tiger giới thiệu bộ sưu tập mới trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân Hè 2019. Theo thương hiệu này, những trang phục trong bộ sưu tập của họ "lấy cảm hứng" từ quốc phục các quốc gia nằm trên Con đường tơ lụa cách đây 613 năm.

Khi giới thiệu về bộ sưu tập, Ne-Tiger viết: "Đội ngũ thiết kế của chúng tôi mất hơn một tháng để thu thập tư liệu trang phục truyền thống của các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia và các quốc gia khác.

Hình ảnh về vật tổ, phù hiệu đặc trưng của từng nước sẽ được tích hợp vào mẫu trang phục Trung Quốc để tái hiện sự hùng vĩ của con đường tơ lụa trên biển".

Vào ngày 25/10 vừa qua, tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân Hè 2020, Nhà thiết kế thương hiệu thời trang Ne-Tiger thể hiện tham vọng: "Chúng tôi tiếp tục kế thừa và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của Trung Hoa, đồng thời học hỏi và kết hợp chúng với các xu hương thời trang hiện đại của thế giới để đưa các mẫu thiết kế ra toàn cầu".

Áo dài Việt Nam được báo chí Trung Quốc gọi là "phong cách Trung Quốc".

Người này cũng khẳng định quan điểm: "Khi sáng tạo ra một bộ sưu tập, tôi nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc".

Tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng nhiều hình ảnh các mẫu nữ trình diễn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam, nằm trong bộ sưu tập của Ne - Tiger cùng chú thích: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week).

Điều này khiến cho công chúng Việt Nam bức xúc và lên án thương hiệu thời trang của Trung Quốc cố tình ăn cướp trắng trợn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam.

Trước vấn đề này, phóng viên VTC News phỏng vấn Nhà thiết kế Minh Hạnh - người gắn bó với chiếc áo dài trong suốt hơn 20 năm, người đem chiếc áo mang hồn phách của dân tộc Việt đến với bạn bè quốc tế.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, khoảng 3 tuần trước khi có chuyến công tác tại Mỹ , bà đã đọc được bài báo có đăng tải hình ảnh trang phục áo dài của Việt Nam và được chú thích là "phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week".

"Khi đọc được thông tin này, tôi thực sự rất sốc. Nhà thiết kế dù có yêu thích trang phục truyền thống của một đất nước nào đó thì cũng không thể tự nhận là trang phục truyền thống của đất nước mình.

Thí dụ, tôi yêu quý Kimono và tôi mong ước được thể hiện tinh thần của bộ trang phục ấy trong những thiết kế của tôi nhưng không thể khẳng định, Kimono là trang phục truyền thống của Việt Nam", Nhà thiết kế Minh Hạnh nói.

Nhà thiết kế  Minh Hạnh có hơn 20 năm gắn bó với áo dài. 

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ thêm: "Có thể thấy ngay được thâm ý trong bộ sưu tập này với tuyên ngôn của Nhà thiết kế Trung Quốc: Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi nhấn mạnh vẻ đẹp kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc.

Trong lĩnh vực thời trang, khi tạo ra được trào lưu thì mặc nhiên có sức lan tỏa lớn. Với thâm ý có chiến lược này, với nhân lực, vật lực như thế, chúng ta lại một lần nữa gặp phải 'đường lưỡi bò trong văn hóa'.

Sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm. Giải pháp bây giờ là cần phải khẳng định ngay, áo dài là quốc phục của Việt Nam".

"Sẽ thế nào nếu như chỉ cần người dân một tỉnh của Trung Quốc đồng loạt mặc áo dài và tuyên bố đó là trang phục truyền thống của họ?", Nhà thiết kế Minh Hạnh đặt câu hỏi.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, Nhà thiết kế của thương hiệu Ne-Tiger có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc. Thương hiệu này chủ trương bảo vệ văn hóa trang phục truyền thống của Trung Quốc.

Thu Giang

Tin mới