Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nỗi ám ảnh mang tên những câu hỏi ngày Tết

(VTC News) -

Thăm hỏi họ hàng, trò chuyện đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt nhưng nhiều người lại cảm thấy khó xử và sợ Tết vì điều này.

Tết cổ truyền là một trong những dịp nghỉ lễ lớn được tất cả mong chờ, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Những ngày đầu năm, chúc Tết và thăm hỏi người thân, bạn bè là một phần không thể thiếu. Đôi khi những lời thăm hỏi thái quá lại khiến nhiều người cảm thấy khó xử, không biết phải trả lời thế nào và thực sự cảm thấy sợ Tết.

Nguyễn Phương Anh (30 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, cứ Tết đến là cô xách vali đi du lịch để trốn. Năm nay, cô cũng vừa đặt vé đi Đài Loan 1 tuần vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

"Cả năm đi làm bận rộn, cũng muốn Tết nhất dành thời gian cho gia đình nhưng mình không chịu được cái cảnh ở lì trên phòng cả Tết. Hoặc ngồi dưới phòng khách để bị mọi người hỏi thăm về chuyện chồng con. Năm nào cũng như năm nào, dường như mọi người hết câu để hỏi vậy. Ngày tiếp cả chục lượt khách nhưng câu chuyện quanh quẩn lại chuyển về chủ đề chồng con của mình", cô gái giãi bày.

Phương Anh cho rằng, ngày Tết mọi người gặp gỡ, thăm hỏi nhau là chuyện rất bình thường nhưng các vị khách cũng nên nhạy cảm hơn một chút, để ý đến cảm xúc của người khác.

"Tự nhiên mình bị lôi ra bàn tán, làm chủ đề chính trong câu chuyện. Người thì đùa cợt, người thì khuyên răn có vẻ như rất chân thành. Nhưng vấn đề là mình không có người yêu chứ không phải mình không muốn yêu, hay không muốn lấy chồng", cô gái bức xúc.

Thăm hỏi họ hàng, trò chuyện đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt nhưng nhiều người lại cảm thấy khó xử và sợ Tết vì điều này. (Ảnh minh họa)

Giống như Phương Anh, Quỳnh Chi (26 tuổi, Lạng Sơn) cũng luôn gặp rắc rối với những câu hỏi ngày Tết, thậm chí cô còn muốn tàng hình và biến mất.

"Tết đến mình vừa mong vừa sợ. Mong vì được về nhà với gia đình, sum họp, được ăn cơm mẹ nấu mà không phải nghĩ đến công việc. Còn sợ phải gặp cô dì chú bác và nhận mưa câu hỏi. Nào thì lương tháng bao nhiêu, nào thì người yêu đâu, không định lấy chồng à?... Thật sự những lúc ấy mình chỉ muốn tàng hình, biến mất", cô gái trẻ kể.

Trần Mỹ Anh (28 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) kể lại trong "đau khổ" về những câu hỏi hóc búa của họ hàng trong dịp Tết năm ngoái.

Mỹ Anh và bạn trai kém tuổi quen nhau một thời gian khá dài, cả hai cũng tính đến việc sẽ về chung một nhà nhưng vẫn muốn dành thời gian gây dựng sự nghiệp thêm nên chưa công khai với họ hàng. Tết vừa rồi, sau nhiều lần đắn đo, cô nàng mới quyết định đưa người yêu về nhà chơi. Bạn trai đến cũng là lúc mấy người họ hàng xa của cô nàng đến chúc Tết. 

"Hôm ấy em trai mình đi vắng. Thắng bé kém mình 3 tuổi và bằng tuổi người yêu mình. Mấy người họ hàng xa vào nhà chúc Tết, mừng tuổi cả hai đứa. Một bác nói với người yêu mình thế này: 'Thôi, chị mày kiên quyết không lấy chồng thì mày cũng phải đi lấy vợ cho bố mẹ có cháu bế chứ!'. Mọi người trong nhà cười ồ vì ông bác bị nhầm. Nhưng bác nói câu ấy, khiến cả mình và bạn trai đều cảm thấy bị tổn thương. Thật sự!", Mỹ Anh chia sẻ.

Không bị ám ảnh với những câu hỏi hóc búa về chồng con như những bạn gái trên nhưng Vương Quỳnh Anh (29 tuổi, Long Biên, Hà Nội) lại rơi vào tình huống khó xử khác.

Quỳnh Anh kết hôn ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, chồng cô là giám đốc một công ty lớn. Cô sinh liền 3 bé ngay sau khi kết hôn, lại không phải lo lắng nhiều về kinh tế nên cô ở nhà chăm con chứ không đi làm. Vậy nhưng cứ đến Tết, suốt bao năm nay vẫn là những câu hỏi kiểu như: "Cháu đã đi làm ở đâu chưa? Bọn trẻ lớn hết rồi sao không đi làm? Ở nhà mãi không thấy chán à?..."

"Người hỏi có thể cho rằng đó chỉ là những câu hỏi xã giao, bình thường. Hoặc chẳng có gì để hỏi nên cứ nói vậy nhưng suốt gần 6,7 năm nay, gặp ai họ cũng hỏi vậy thành ra mình tự ti lắm, chẳng muốn đi chúc Tết cùng mấy bố con nữa", Quỳnh Anh tâm sự.

Ra trường được 3 năm, Đào Ngân Bình (Hải Dương) đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội, lương tháng cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống độc thân. Bình kể, hai năm trước, chật vật xin việc chẳng được, Tết đến mọi người cứ hỏi đi làm chưa mà chỉ muốn trốn tiệt trên phòng, không tiếp xúc với ai nguyên 7 ngày Tết để đỡ phải trả lời.

Đến năm vừa rồi, Bình thi được vào ngân hàng nhưng Tết đến cũng chẳng tránh được những câu hỏi "giời ơi đất hỡi" của mọi người.

"Ở quê mình, cứ nhà nào có con làm ngân hàng là mặc định giàu. Thấy mình làm ngân hàng thì hỏi giàu thế thì mừng tuổi bố mẹ bao nhiêu? Bao giờ xây nhà cho bố mẹ? Lương chắc phải mấy chục triệu nhỉ?...Bình thường về quê thăm bố mẹ chỉ phải gặp chào ít người. Nhưng Tết phải gặp tất cả các ông bà, cô dì, chú bác, cậu mợ, chú thím...Thật đáng sợ!

Còn đối với Nguyễn Quang Anh, cậu bạn mới tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội thì đây là dịp để chuẩn bị tinh thần để trả lời các câu hỏi: "Cháu có việc chưa?", "Định làm gì?", "Bố mẹ quen ai không?".

"Mình chỉ muốn có một cuộc sống mà ở đó, tự mình sẽ trả lời các câu hỏi đó. Tết là dịp để tổng kết những gì đã làm được trong một năm, thay vì hỏi khó con cháu, mình nghĩ người lớn cũng nên chia sẻ những thành công của con cháu, đặt những câu hỏi tế nhị hơn. Mình nghĩ đây là sự khác biệt giữa các thế hệ thôi, họ cũng quan tâm đến mình nhưng chưa biết cách bày tỏ, nên thành ra vô duyên, tọc mạch", Quang Anh chia sẻ.

Câu chuyện của các bạn trẻ nói trên chỉ phản ánh góc nhỏ trong vô số những câu hỏi khó xử mỗi dịp hội ngộ đầu xuân. Những câu hỏi đôi khi chỉ là bâng quơ, vô tình, lấy lệ, hỏi cho có ấy vô hình chung khiến mọi người cảm thấy sợ Tết, dù rõ ràng đây là dịp ai cũng mong ngóng đến ngày để về nhà sum họp.

Chuyện trò, hỏi han tình hình người thân không phải là xấu nhưng mỗi chúng ta có lẽ nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, bỏ qua những câu hỏi xã giao không cần thiết, hãy tế nhị và chuyện trò vui vẻ để không còn ai cảm thấy sợ hãi mỗi dịp Tết đến xuân sang!

Ngày Tết, bạn có bị hỏi những câu khó xử thế này không? Hãy cùng chia sẻ và nêu ý kiến TẠI ĐÂY.

Hạ Vũ - Khánh Ngân

Tin mới