Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Sách giáo khoa tiếng Anh mới là sách của đề án ngoại ngữ quốc gia?

Mẫu sách giáo khoa tiếng Anh duy nhất được thẩm định đạt trong đợt đầu bị dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ đó chính là sách của đề án ngoại ngữ quốc gia.

Tác giả nói có, Bộ GD&ĐT bảo không

Dự kiến cuối tháng 12/2019 Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phê duyệt và công bố sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Lý do, vì trong 5/6 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh xuất phát từ nước ngoài biên soạn nên cần thời gian thẩm định và đánh giá nhiều hơn.

Trong số 6 bộ, có một bộ sách giáo khoa duy nhất do người Việt làm tổng chủ biên mang tên "Cùng học để phát triển năng lực" được đánh giá đủ tiêu chuẩn trong đợt đầu tiên. Tuy nhiên, chính bộ sách duy nhất ấy lại đang vướng phải nghi vấn “Liệu đây có phải là sản phẩm của đề án ngoại ngữ quốc gia?”.

 (Ảnh: Thanh Niên)

Tại hội nghị giới thiệu các bản mẫu SGK được thẩm định của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đầu tháng 11/2019 vừa qua, GS.TS Hoàng Văn Vân - Tổng chủ biên SGK tiếng Anh lớp 1 bộ "Cùng học để phát triển năng lực" từng nhấn mạnh: "Trong số các SGK mới thì duy nhất bộ SGK tiếng Anh là của Bộ GD-ĐT. Vì Bộ từng giao cho ban quản lý đề án dạy và học ngoại ngữ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn".

Điều đáng nói chính GS Vân là tổng chủ biên SGK tiếng Anh biên soạn làm tài liệu dạy học cho đề án ngoại ngữ quốc gia.

Điều đó có thể là căn cứ để dư luận tin rằng lời GS Vân nói không sai, như một sự khẳng định chắc nịch về nguồn gốc của bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới. Đó là hai bộ sách giáo khoa tuy có khác tên gọi nhưng là anh em sinh đôi.

Tuy nhiên, lời nói trên của GS Vân đang mâu thuẫn với thông tin của Bộ GD&ĐT từng khẳng định, không tổ chức biên soạn bộ SGK mới nào theo tinh thần Nghị quyết 88/QH. Hoàn toàn xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Trong cả 5 bộ SGK được thẩm định đạt yêu cầu đều do các nhà xuất bản chịu trách nhiệm bằng nguồn ngân sách xã hội hóa. Bộ GD&ĐT đứng ngoài cuộc trong việc biên soạn sách cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, theo thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 do Bộ Tài chính ban hành, thì việc tổ chức biên soạn tài liệu dạy học, thẩm định và thực hiện thí điểm tài liệu này nằm trong kinh phí của đề án.

Như vậy bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới này đang nhập nhằng ở chỗ, có hay không chuyện sách giáo khoa của đề án ngoại ngữ lấy tiền biên soạn, thẩm định, thử nghiệm từ ngân sách Nhà nước, nhưng giờ đây lại được chuyển giao về doanh nghiệp để đăng ký thẩm định như SGK theo dạng xã hội hóa.

"Hai bộ sách khác nhau"

Theo ông Vũ Bá Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, đơn vị tổ chức biên soạn bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" giải thích: "Chúng tôi tổ chức biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1, 2 theo quy trình biên soạn  SGK chung gồm tất cả các môn học nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chúng tôi nhất quán với nguyên tắc xuyên suốt bộ SGK, chịu ràng buộc bởi các ma trận năng lực chung của các môn học trong một lớp và trong cấp học. Vì thế không có chuyện lấy sách của đề án làm sách của doanh nghiệp”, ông Khánh khẳng định.

Đồng thời, việc triển khai nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh mới đều do đơn vị ông trực tiếp tổ chức, sử dụng kinh phí của công ty, không liên quan đến kinh phí của đề án ngoại ngữ nào cả.

Ông Khánh thừa nhận đúng là có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từng giao cho công ty của ông tổ chức biên soạn sách tiếng Anh cho đề án ngoại ngữ quốc gia - bộ sách cũng do GS.TS Hoàng Văn Vân là tổng chủ biên.

Nhưng bộ SGK của đề án không bao gồm SGK lớp 1, 2, mà chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12. 

Chương trình ngoại ngữ chỉ bắt buộc học từ lớp 3 đến lớp 12, còn ở lớp 1, 2 học sinh học ngoại ngữ theo dạng tự chọn. Đến nay, bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 dạy theo đề án ngoại ngữ đã áp dụng trên diện rộng theo chương trình ngoại ngữ hiện hành, không có gì cần bàn cãi.

Ông Khánh nhấn mạnh không có chuyện nhập nhằng về nguồn gốc 2 bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới như dư luận lo lắng. Chúng khác nhau về số lượng kiến thức, về chương trình, các tiếp cận… Tuyệt đối không có chuyện lấy sách của đề án làm sách của doanh nghiệp.

Minh Khôi

Tin mới