Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dạy học qua truyền hình: Học sinh hứng thú, phụ huynh lo lắng con học không hiệu quả

(VTC News) -

Nhiều địa phương đang tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh và vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là liệu phương pháp giảng dạy này có thực sự hiệu quả?

Bài giảng gắn gọn, dễ hiểu

Học trực tuyến, học qua truyền hình là giải pháp được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng khi học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ ngày 9/3 Sở phối hợp với Đài phát thanh- truyền hình thành phố tổ chức xây dựng và ghi hình chương trình dạy học các môn của năm học 2019- 2020 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua truyền hình.

Sở huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT biên tập nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần với thời lượng 45 phút/môn học.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. (Ảnh: QĐND)

 

“Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học”, ông Quang nói.

Theo ghi nhận của VTC News, sau ba ngày tổ chức học tập qua truyền hình nhiều học sinh tỏ ra thích thú với các bài giảng.

Em Lê Thảo My, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, bản thân khá hào hứng với nội dung bài giảng, kiến thức nhẹ nhàng, không bị dàn trải, các thầy cô giảng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu.

Thảo My cho rằng, đầu mùa dịch Covid-19 bản thân thấy khá hoang mang khi kỳ nghỉ kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học và ôn tập. "Tuy nhiên đến nay việc học các môn chính phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia đã được giảng dạy, nên phần nào yên tâm hơn để tập trung ôn luyện nghiêm túc", Thảo My nói.

Tương tự, em Trần Hoàng Nhật, học sinh trường THPT Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ, việc học trực tiếp trên truyền hình có thể dễ dàng xem lại nhiều lần, trên tinh thần xem nhiều, nghe nhiều để dễ nhớ, dễ thuộc bài.

Hoàng Nhật cũng cho biết, đây là thời gian nước rút, nên tự đặt ra kế hoạch học bài và ôn tập theo nhóm nhỏ 3-5 bạn, vừa nghe giảng, vừa cùng nhau thảo luận để hiểu bài hơn. Riêng với các phần bài tập khó, các bạn sẽ nhờ giáo viên bộ môn ở trường giải đáp thêm.

Giờ học trên truyền hình của học sinh Hà Nội.

Phụ huynh lo lắng

Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo lắng về chất lượng giờ học và hiệu quả tiếp thu kiến thức của con mình.

Chị Nguyễn Thuý Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc học qua truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời lúc này, không thể thay thế học trực tiếp trên lớp. Dù gia đình luôn theo sát lịch phát sóng chương trình học, thậm chí cắt cử người đốc thúc, theo sát quá trình học bài của con nhưng vẫn không hoàn toàn yên tâm về hiệu quả giờ giảng.

Chị Quỳnh thẳng thắn nói: “Sau khi kết thúc bài giảng “Vợ nhặt” môn Ngữ văn lớp 12, tôi yêu cầu con làm bài kiểm tra trình bày cảm nhận về ý nghĩa của tác phẩm và đánh giá chi tiết đắt nhất trong bài. Con mơ hồ, viết bài không quá nổi một mặt giấy với lý do “cô giáo chỉ dạy có thế, con chưa kịp cảm nhận”. Tôi thực sự lo lắng về chất lượng bài học khi đây là một trong những kiến thức trọng tâm trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây".

Cùng tâm lý trên, chị Hoàng Hà Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, học qua truyền hình, các cô giáo ở trường giao cho các con rất nhiều bài tập bổ trợ để ôn luyện. Tuy nhiên, việc các con học bài không có sự hướng dẫn trực tiếp rất khó để có hiệu quả. Mỗi em có một mức độ hiểu bài khác nhau, nên chất lượng đánh giá cũng khó có được sự đồng đều dù chỉ là những bài học cơ bản nhất.

"Tôi nghĩ cần có một giải pháp tốt hơn dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, củng cố kiến thức trong khi thời gian thi vượt cấp không còn nhiều", chị Hà Mai nêu quan điểm.

Theo thầy giáo Phạm Quốc Toản, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), việc học ở nhà có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức của học sinh. Bởi giáo viên không trực tiếp dạy, phương pháp dạy học hạn chế nên việc giao đi giao lại bài tập sẽ khiến học sinh không hứng thú.

Do đó, để đem lại hiệu quả, học sinh cần chủ động đọc sách, hệ thống lại kiến thức theo từng phần và luyện nhiều đề thi thử THPT quốc gia học kỳ I của các trường THPT, thầy giáo cho hay.

Cần thống nhất dạy học và đánh giá

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.

Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.

Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Phan Hữu Mạnh (Hà Nội) đề xuất, Bộ GD&ĐT nên sớm có phương án chỉ đạo tập trung các địa phương dạy trực tuyến qua truyền hình. Không nên để mỗi nơi dạy một hướng như hiện nay sẽ kém hiệu quả, không thống nhất về mặt kiến thức, thời lượng bài giảng không đảm bảo.

"Cùng với đó, muốn học sinh cả nước tích cực tham gia học trực tuyến thông qua máy tính, truyền hình... thì Bộ GD&ĐT nên sớm tính đến phương án công nhận kết quả học trực tuyến, lấy đó làm động lực để các em chuyên tâm chuyện học hành thay vì lơ là "cưỡi ngựa xem hoa" như hiện nay", thầy Mạnh nói.

Video: Học sinh tự học bài qua truyền hình

 

 

Hà Cường

Tin mới