Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chứng kiến cha mẹ cãi vã, con trẻ sẽ dằn vặt chính mình, tự cách ly với xã hội

Đằng sau những trận cãi vã, xô xát của cha mẹ, những đứa trẻ sẽ gánh chịu hậu quả về mặt tâm sinh lý và thể lực nặng nề.

Vì đâu mà to tiếng, cãi vã?

Chị Nguyễn Dương (Hoàng Mai, Hà Nội) lập gia đình hơn 10 năm, ít khi xảy ra những tranh luận to tiếng. Nhưng gần đây, vì áp lực công việc, chuyện con cái, chăm sóc cửa nhà… vợ chồng chị liên tục đưa ra quan điểm trái chiều.

“Ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải làm việc tới 6h chiều, rồi nhanh nhanh chóng chóng đi chợ, cơm nước, rồi dọn nhà, giặt giũ, cho các con ăn. Thật sự thấy bản thân mệt mỏi. Nhưng bù lại rất ít khi nhận được sự chia sẻ của ông xã. Tôi nhiều lần than phiền nhưng không nhận được sự thay đổi tích cực mấy từ đối phương. Vì vậy có lần tôi to tiếng và đấu tranh đòi phân chia việc nhà với ông xã trước mặt con cái”, chị Dương tâm sự.

Sau lần đó, người mẹ ấy chợt nhận ra rằng, những lời nói và hành động tức giận thường xuyên của mình được chính con gái lớn sao chép lại và mắng em trai khi phạm lỗi. Chị Dương phải tự kiểm điểm  bản thân, cùng ông xã tìm ra tiếng nói chung, hạn chế tối đa những tranh luận to tiếng khi ở nhà.

 Con trẻ tự dằn vặt chính mình khi chứng kiến cha mẹ cãi vã (ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những lúc cãi vã. Tuy nhiên, nếu bất đồng thường xuyên xảy ra thì đây thực sự là vấn đề lớn, đặc biệt với những gia đình có trẻ con.

Tiến  tâm lý Lê Phương, Đại học Giáo dục (Hà Nội) cho rằng, xã hội ngày càng phát triển thì cuộc sống hôn nhân cũng áp lực hơn về vật chất, thậm chí cả sự yêu thương. 

Có người từng nói "vợ chồng lấy nhau vì tình yêu nhưng sống với nhau vì tình nghĩa", là thực trạng không sai và đang tồn tại ở nhiều gia đình. Đôi khi vợ chồng tranh luận to tiếng, vì quá bảo vệ quan điểm cá nhân, luôn đấu tranh để đối phương phải thừa nhận hoặc khuất phục trước những quan điểm đó.

Theo tiến sĩ Phương, sự hiếu thắng và muốn kiểm soát người bạn đời vô tình khiến cả hai không tìm được tiếng nói chung. Từ đó dẫn đến những cãi vã, xô xát nhau. Đáng buồn hơn là những người lớn luôn tự cho mình quyền được to tiếng, được cáu mà không bị ai kiểm soát.

Dần dần thói quen đó hình thành trong chính những người không biết kiềm chế cảm xúc. Tệ hại nhất là ngay cả trước mặt con trẻ, các bậc phụ huynh vẫn mặc nhiên tranh cãi nhau, hành động bạo lực. 

Cha mẹ cãi vã, con trẻ hứng chịu

Cô giáo Thái Trinh, trường Tiểu học Archimedes (Hà Nội) tâm sự, việc cha mẹ to tiếng, tranh luận gay gắt trước mặt con cái sẽ để lại trong trí nhớ của trẻ rất lâu. 

Cô Trinh nhớ, hồi học lớp 1, khi đang ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng nói rất to của bố mẹ. Cô tỉnh giấc và xem có chuyện gì xảy ra.

"Có lẽ tôi không thể quên được hình ảnh ngày hôm đó. Bố mẹ tôi sử dụng từ ngữ rất tục tĩu, giống như hai con sư tử đang gầm ghè. Cuộc cãi vã ấy kết thúc bằng một cái tát. Tôi ám ảnh đến tận bây giờ và có lẽ nó sẽ còn theo tôi đến hết cuộc đời mình”, cô Trinh nói.

Từ câu chuyện của cô Thái Trinh có thể thấy, rõ ràng những vụ cãi vã nảy lửa của các bậc phụ huynh sẽ luôn để lại ký ức không bao giờ quên trong tâm trí con trẻ.

Theo PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP.HCM, chứng kiến hai người mà  trẻ yêu thương nhất cãi vã, chúng sẽ "vẫy vùng" trong trạng thái bất an và cảm xúc tiêu cực. Trẻ luôn sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh bố mẹ ly hôn và tự nhận định bố mẹ cãi nhau vì không còn yêu thương trẻ. Từ đó, trẻ sẽ đổ lỗi cho bản thân, rằng mình là nguyên nhân khiến bố mẹ như vậy.

Vì thế trẻ mãi ám ảnh về điều đó. Hoặc khi bố mẹ giơ nắm đấm lên, trẻ sẽ gào khóc để bộc lộ cảm giác sợ hãi và bất an. Bởi trẻ hy vọng tiếng khóc của mình sẽ ngăn cản cơn thịnh nộ và tranh cãi không hồi hết của bố mẹ.

Chưa kể đến việc, tiếng cãi vã và đập phá đồ đạc gây ra nhất định "vang" sang nhà hàng xóm, khiến trẻ cảm thấy xấu hổ. Mỗi khi ra khỏi nhà, chúng sẽ cúi gằm mặt vì nghĩ rằng mọi người đang chỉ trỏ và cười nhạo bố mẹ chúng. Nghiêm trọng hơn, trẻ không dám đi đâu, tự cách ly với xã hội, nhát gan và ‘buộc mình lại’ khó hòa nhập cộng đồng.

Cũng theo chuyên gia này, rất nhiều bố mẹ than phiền tính cách của con mình, nhưng họ quên nhìn nhận lại chính bản thân mình. Tính khí của trẻ nóng nảy là do trẻ bị ảnh hưởng từ bố mẹ, nói đúng hơn là trẻ học bố mẹ. Nếu bố mẹ không thể từ tốn nói chuyện với nhau, thì bố mẹ làm sao có thể nuôi dạy một đứa trẻ hiền lành và dịu dàng với mọi người xung quanh.

“Một đứa trẻ khi sở hữu đặc điểm tính cách như nhát gan, tự ti, nóng nảy, không có cảm giác an toàn, cha mẹ hãy thử tưởng tượng xem khi bước chân vào xã hội, trẻ sẽ thế nào?. Liệu chúng có thể có cuộc sống tốt không hay là bị xã hội đào thải?.

Nếu muốn tốt cho trẻ, bố mẹ nên hạn chế tranh cãi, ít nhất là không nên tranh cãi trước mặt trẻ, bởi tương lai trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", PGS Sơn khuyên phụ huynh.

Minh Khôi

Tin mới