Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giấc mơ về ngôi nhà tránh rét phía sau sắc hoa tam giác mạch Hà Giang

Thấp thoáng sau những vạt núi Hà Giang được phủ tím bởi sắc hoa tam giác mạch, vẫn còn những mái nhà tre nứa cần được đổi thay.

Ở xứ sở của núi đá như Hà Giang, việc thống kê hết số hộ nghèo thật sự không dễ dàng. Tỉnh này đang trong "cơn khát" xóa nhà tạm cho người nghèo, người có công với đất nước.

19 năm trước, trong lần đi rừng, ông Ly Xín Dùng (62 tuổi, thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ) không may bị cây gỗ lớn đè vào người. Sau tai nạn ấy, cơ thể ông như biến dạng, lưng gập xuống, cổ cũng không thể hướng về phía trước như bình thường. Bao dự định, ước mơ của người đàn ông độ tuổi tráng niên không còn cơ hội thực hiện.

 Cơ quan chức năng trao nhà cho các  hộ nghèo, gia đình chính sách. Sắp tới, vợ chồng ông Dùng cũng sẽ được nhận căn nhà mới tương tự.

Nhưng ông Dùng cũng được an ủi phần nào khi có bà Giàng Thị Lầu ở cạnh suốt mấy chục năm qua. Sống trong căn nhà đất với vài ba vật dụng đơn giản, họ cùng nhau rau cháo qua ngày. Không có con, niềm vui an ủi nhiều năm qua của hai vợ chồng chỉ đơn giản là nhìn những gốc lúa, luống rau lớn lên, không sâu bệnh.

Hài lòng với những niềm vui nhỏ, họ chẳng dám mơ về niềm vui lớn - được sống trong ngôi nhà kiên cố.

Trò chuyện với khách phương xa, ông Ly Xín Dùng không nói được nhiều, nhưng vẫn cố quay cái cổ bị vẹo do tai nạn về phía khách.

Mắt người đàn ông 62 tuổi ngấn lệ khi chia sẻ về cuộc sống khốn khó của mình và niềm vui sướng khôn siết khi biết tin chính quyền đang có kế hoạch xây cho ông ngôi nhà mới. Khi đó, gia đình ông sẽ bớt lo lắng trong những ngày mưa gió, sạt lở.

 Ông Ly Vần Quý phấn khởi vì được chuyển đến ở căn nhà mới trước mùa đông lạnh giá.

Cách nhà ông Dùng chỉ chừng 300m là nhà ông Ly Vần Quý. Nhiều năm qua, gia đình này phải sống trong căn nhà tranh vách đất dựng tạm trên một mỏm núi. Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa thì cả nhà lại co cụm với nhau tránh dột.

Mùa đông lại sắp về, ông Quý đang chưa biết phải chống chọi thế nào với cái lạnh thấu xương thì rưng rưng hạnh phúc khi được chính quyền xây cho ngôi nhà mới.

Người đàn ông này tâm sự, trong cái nghèo đói quẩn quanh, kiếm cái ăn đã khó, xây nhà đối với ông là giấc mơ không thể thành hiện thực. 

Vợ chồng ông Quý phấn khởi khi được nhận căn nhà mới. 

“Gia đình tôi không bao giờ nghĩ có ngôi nhà để ở”, ông Quý tâm sự với phóng viên VTC News. Cũng bởi vậy mà niềm vui của gia đình ông khi chính quyền tặng nhà như được nhân lên nhiều lần.

Chia tay Quản Bạ trong nỗi ám ảnh về cái đói nghèo nơi biên ải, chiếc xe chở phóng viên lại băng núi, vượt đèo tới thị trấn Đồng Văn, tới nhà ông Ly Mí Hờ ở thôn Quán Dín Ngài. Nhiều năm qua, ông Hờ sống một mình trong ngôi nhà phên nứa, phía trên lợp những tấm fibro xi măng phủ đầy rêu mốc và lá cây mục.

Không vợ con, ông chẳng buồn nghĩ về một ngôi nhà kiên cố. Công việc làm nương không thể đem lại của ăn của để nên thi thoảng ông Hờ đi bộ xuống thị trấn xem ai nhờ gì thì làm đấy.

 Ông Ly Mý Hờ trải lòng về những khó khăn trong cuộc sống và niềm xúc động khi sắp có ngôi nhà mới để ở.

Sống mãi trong cái nghèo, ông Hờ không dám nghĩ tới điều gì cao xa hơn. Con dốc dẫn xuống nhà ông lấm lem bùn đất, trơn trượt, lê thê như tiếng thở dài của người đàn ông ngoại tứ tuần.

“Tôi sống hơn 20 năm trong căn nhà tạm đã xuống cấp này rồi. Phần mái và kèo xuống cấp, hư hỏng cả. Nhờ chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo của tỉnh mà tôi sắp có nhà mới”, ông Hờ rưng rưng nước mắt kể.

Video: Ấm lòng 2.000 ngôi nhà tình nghĩa cho người nghèo, người có công ở Hà Giang

Cách đó không xa, ở thôn Sìn Phài, cặp vợ chồng trẻ Vàm Mí Chà và Ly Thị Mỷ cũng có cuộc sống chẳng mấy sáng sủa. Lấy nhau từ năm 2014 và sinh hai đứa con, họ tích góp mãi chẳng đủ để xây nhà mới nên quyết định dựng căn nhà tạm trên đỉnh núi.

Ban ngày, Chà lên trung tâm huyện hy vọng có người thuê mướn; Mỷ ở nhà chăm con và quanh quẩn với mấy nương ngô. Cuộc sống của họ trôi qua lặng lẽ trong căn nhà mà ngày đông thì không che được gió, ngày hè thì không chắn được mưa. Đêm xuống, nhìn ra phố huyện lung linh ánh đèn, đôi trẻ không khỏi chạnh lòng.

 Các ban ngành chức năng tỉnh Hà Giang trao tặng nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Với những người còn trẻ như vợ chồng Chà, Mỷ, việc xây nhà mới còn khó như vậy, thì người ngoài 60 tuổi như ông Lư Mí Co (thôn Sìn Phài) càng không dám nghĩ tới điều này. 

Ông Co là cựu chiến binh nghèo. Trở lại căn nhà đất của mình sau khi tham gia mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, với ít ruộng và nương, ông chỉ mong đủ ăn.

“Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, chắc không bao giờ tôi dám nghĩ mình sẽ làm nhà”, ông Co trầm ngâm chia sẻ.

Vàm Mí Chá hay Lư Mí Co chỉ là vài trong số hàng nghìn gia đình ở Hà Giang đang rất cần hỗ trợ về nhà ở. Chỉ có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, họ mới có hy vọng có mái nhà đủ sưởi ấm khi mà rất nhiều mùa đông nữa sẽ mang gió rét đến. 

Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 4.106 hộ cần hỗ trợ về nhà ở thuộc các đối tượng: Người có công, Cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo ở xã biên giới. Trong đó có 160 gia đình người có công, 464 cựu chiến binh, 3.482 hộ nghèo của các xã biên giới. Tuy phát triển nhiều so với trước đây nhưng cuộc sống của người dân ở Hà Giang ở vùng địa đầu Tổ quốc vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Giang đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.000 hộ. Đến ngày 27/8, toàn tỉnh đã có 345 hộ triển khai xây nhà ở theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, trong đó có 8 nhà hoàn thành; 278 nhà chuẩn bị khởi công.

Ngày 25/7/2019, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Quyết định số 1953 thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, do Bí thư tỉnh uỷ Đặng Quốc Khánh làm Trưởng ban. Phó Ban chỉ đạo là ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Sáng 28/9/2019, Ban chỉ đạo tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình người có công, hộ nghèo xã biên giới của tỉnh. Tổng kinh phí huy động được tại buổi lễ khoảng 65 tỷ đồng. Lũy kế, toàn tỉnh huy động được trên 112 tỷ đồng cho công tác này.

Phạm Chiểu

Tin mới