Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gặp gỡ những người canh giữ nơi mênh mông trời biển, giữa bão táp mưa sa

Giữa mênh mông trời biển, trước bão táp mưa sa, là những người chiến sĩ Công an đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ gìn sự bình yên cuộc sống.

Họ, những người con có thể không sinh ra từ biển nhưng được dung dưỡng trong tấm lòng bao dung của biển cả, vẫn lặng lẽ hiến dâng sức trẻ và cả trái tim mình cho nơi địa đầu Tổ quốc.

1. Trong số cán bộ chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ tại đảo Cồn Cỏ, Đại úy Nguyễn Thành Vinh là người có thâm niên lâu hơn cả. Năm 2011, khi mới 24 tuổi, Vinh đã xách ba lô lên đảo Cồn Cỏ. 8 năm bám trụ ở đảo, anh trở thành thổ địa nơi này.

Vinh kể, hồi anh mới ra Cồn Cỏ, điều kiện ở đây rất khó khăn. Thời gian đó, Vinh bám trụ trên đảo bằng ý chí kiên cường, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Khi đến đây, ngoài nhiệm vụ và trách nhiệm được phân công, Vinh còn ngấm ngầm thách thức chính ý chí của bản thân mình.

Điều này có được từ chính niềm yêu hãnh về truyền thống gia đình: bố Vinh cũng là  công an, còn bà cố nội là Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít, quê ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị - người có chồng, 6 người con ruột, 1 con dâu và 1 cháu nội là liệt sĩ. Lòng tự hào về gia đình đã hun đúc cho người lính có dáng người mảnh khảnh một ý chí, nghị lực cực kỳ kiên cường để bám trụ.

Những tháng ngày đầu tiên xa nhà, cũng nhớ, cũng mong mỏi những ngày phép, song không phải lúc nào điều kiện thời tiết cũng thuận lợi. Vào mùa biển động, đảo và đất liền gần như bị chia cắt, nên cho dù ở quê hương, họ hàng ma chay cưới hỏi anh đều không về dự được. Đấy là chưa kể, với đặc thù công việc, cứ 3 năm Vinh mới được về ăn tết với gia đình 1 lần.

Những mùa xuân trên đảo, nỗi nhớ nhà dường như càng dày thêm nhưng cũng từ đó, mỗi liên hệ giữa anh với hòn đảo nhỏ xinh đẹp lại càng gắn bó. 8 năm, anh có quá nhiều kỷ niệm với hòn đảo này, thậm chí có cả kỷ niệm mang tính sống còn. Đó là vào năm 2016, khi phương tiện đi lại với đất liền còn khó khăn và chưa có quy định cấm tàu cá chở người ra đảo, mỗi lần đi về, Vinh và các đồng đội khác phải “đu” tàu cá.

Đại úy Nguyễn Thành Vinh - Công an huyện đảo Cồn Cỏ.

 

Có lần, khi cách đảo còn vài hải lý, tàu cá gặp sự cố, nước tràn vào khoang, nguy cơ đắm tàu xảy ra. Mọi người nhốn nháo. Vinh hô hào anh em từ trên boong nhảy xuống khoang, dùng mọi vật dụng kiếm được như xô chậu, xoong nồi để tát nước. Tàu ì ạch chạy mãi cuối cùng cũng vào bờ. Đó là 2 hải lý dài nhất trong cuộc đời Vinh từ trước đến nay. Khi tàu vào bờ, mọi người mới dám tin mình đã tai qua nạn khỏi và vẫn còn sống.

Thế nhưng, chuyện qua rồi lại thành như không. Có những bận được nghỉ phép, không có tàu về đất liền, xin ngư dân đi nhờ cũng không được, Vinh liền trèo vào thúng, ngồi co ro bó chân để được “quá giang” trái phép. Những kỷ niệm đó, chỉ còn là quá vãng vì bây giờ đảo đã có 2 tàu chở người là phương tiện di chuyển với đất liền. Giao thông thuận lợi, đời sống cũng trở nên đầy đủ hơn vì nhận được nhiều hàng từ đất liền chuyển ra.

Tuy nhiên, nói đầy đủ cho sang và cũng là để so với thời kỳ trước đó, chứ cuộc sống nơi đảo xa vẫn còn nhiều thiếu thốn. Bởi vậy, vào những dịp cuối tuần, Vinh và đồng đội thường đi đánh cá, bắt ốc, bắt khởi (một loại giống như ghẹ nhưng nhỏ hơn, ít giá trị dinh dưỡng hơn). Điều này, vừa giúp đơn vị “cải thiện”, vừa để gần gũi với ngư dân, thuận lợi hơn cho công tác.

Mọi khó khăn gian khổ giờ cũng quen, chỉ có cái gọi là nghĩa vụ, đã chia làm 2 nửa, 1 phần là trách nhiệm được phân công, 1 phần là tình yêu gắn với hòn đảo xinh đẹp bình yên như quê hương thứ 2. Yêu quá, không nỡ rời xa, nên đã 8 năm trôi qua, dù có trong danh sách được trở về đất liền, Vinh vẫn viết đơn xin được ở lại dù năm 2014, Vinh cưới vợ ở trong đất liền, đến bây giờ, con trai đã 5 tuổi.

Vợ chồng trẻ, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất là về mặt thời gian ở bên nhau: “Cũng nhớ nhà lắm nhưng chỉ biết động viên để hai vợ chồng cùng cố gắng. Trót yêu mảnh đất này mất rồi, giờ nghĩ tới cảnh xa là không chịu được”, Vinh tâm sự.

2. Thượng tá Nguyễn Văn Doãn, Phó Trưởng Công an huyện đảo Cồn Cỏ thực sự là người có duyên với biển. Cái duyên đó, bắt đầu từ tình yêu đối với biển từ khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuổi hoa niên hừng hực khí thế trên đầu và một bầu máu nóng trong tim, nghe lời biển gọi, chàng trai trẻ ở miền đất thép Vĩnh Linh anh hùng đã viết đơn bằng máu xin gia nhập hải quân.

Suốt tuổi trẻ, anh gắn bó với biển, đã từng đóng quân ở đảo Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Trải qua hết các đảo chìm, đảo nổi nơi địa đầu Tổ quốc, năm 1990, anh chuyển ngành sang công an và trở về đất liền. Cơ duyên lại tiếp tục một lần nữa đưa anh ra với biển đảo.

Nếu như lần đầu, anh đi với cả sức trẻ và niềm khao khát được chinh phục, cống hiến, thì lần trở lại biển này, anh đi với tâm thế của một con người từng trải, dạn dày, sẵn sàng chấp nhận và đối mặt với gian khó. Chỉ có điều, thời gian thấm thoắt, vật đổi sao dời. Trước đây, khi anh ra biển, mẹ già là người gói ghém, thu xếp đồ đạc và đưa tiễn anh lên tàu.

Thượng tá Nguyễn Văn Doãn - Phó trưởng Công an huyện đảo Cồn Cỏ.

 

Lần trở lại biển trong sắc phục Công an, tiễn anh lên tàu là người vợ hiền âm thầm gạt nước mắt động viên chồng lên đường làm nhiệm vụ. Là một người lính có tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu với biển đảo, những lần đi tuần, đối diện với sự khoáng đạt, mênh mông của biển trời, anh đã rung động viết nên những câu thơ chan chứa tình cảm. Kể về 2 lần đến với biển, được 2 người phhụ nữ quan trọng nhất cuộc đời đưa tiễn, anh viết:

Ngày ấy anh đi mưa trắng trời

Mẹ tiễn anh đi hai hàng lệ nhỏ

Mong sao con vượt qua gian khó...

Lần thứ hai, khi đáp lời gọi từ biển cả, người chiến sĩ công an lại xông pha nơi đầu sóng ngọn gió và cảm xúc của anh dành cho người vợ tảo tần:

Và cuộc đời như một giấc mơ

Duyên cớ chi anh lại về với biển

Em tiễn anh đi giấu niềm thương mến

Sắm sửa cho anh như nói hộ tấm lòng...

Đối với Thượng tá Nguyễn Văn Doãn, tình yêu với biển đảo đối với anh là tình yêu máu thịt, ruột rà. Biển nuôi dưỡng anh, cho anh những cảm xúc kỳ diệu. Ngược lại, anh và những đồng đội, đồng chí của mình, những người con quật cường, ra đảo không chỉ là người lính bảo vệ bình yên biển đảo mà còn là điểm tựa cho người dân nơi đất liền cũng như ngư dân ra khơi bám biển.

May mắn của anh đó là có hậu phương cực kỳ vững chắc. Vợ là giáo viên, con cái giỏi giang ngoan ngoãn. Cậu con lớn tốt nghiệp cấp 3 nối tiếp bố vào Học viện An ninh, hiện đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi và đang trở thành đồng đội, đồng chí sát cánh bên bố.

Chính những điều này khiến cho anh yên tâm làm nhiệm vụ, dẫu rằng chưa bao giờ anh quen với việc ăn tết xa nhà, đặc biệt khi cái lưng của anh trái gió trở trời lại đau nhói, khiến cho nỗi nhớ vợ, thèm một bàn tay dịu dàng xoa bóp càng dày thêm. Tết 2019, khi làm nhiệm vụ trực tết trên đảo, anh đã gieo vào lòng đại dương những nỗi nhớ cất lên thành lời thơ thẫm đẫm niềm yêu thương:

Mùa xuân này ta lại phải xa nhau

Hai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụ

Anh vẫn biết nhiều đêm em không ngủ

Một mình em lo liệu đủ đường

Hiểu, chia sẻ và rồi người lính có tâm hồn đa cảm ấy đã dịu dàng dặn vợ, cũng như nhắc nhở với chính mình:

Đừng tủi nghe em khi anh xa ngái

Nhiệm vụ thiêng liêng anh phải vắng nhà...

3. Thượng tá Trần Văn Huy - Trưởng Công an huyện đảo Cồn Cỏ đã có thâm niên 35 năm phục vụ trong ngành. Anh đến với Cồn Cỏ khi đã từng kinh qua hết những tháng năm tuổi trẻ nơi núi rừng Tây Nguyên - từng ôm súng đánh giáp lá cà với Fulro.

Cột cờ trên đảo Cồn Cỏ.

 

Thế nên, từ một đảo quân sự thành đảo hành chính từ 15 năm nay nhưng trên đảo Cồn Cỏ chưa từng xảy ra một vụ án nào lớn. Người dân trên đảo hiền lành, thật thà chất phác. Đêm đi ngủ, thảng có quên đóng cửa, cũng chẳng có vấn đề gì xảy ra. Mọi người yêu thương nhau như gia đình. Vì thế, làm công an trên đảo, nhìn bên ngoài, có vẻ rất nhàn.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó, là cả quá trình xây dựng mạng lưới cộng tác viên, bám làng, bám đảo của lực lượng công an, thực hiện “4 cùng” với những người dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đánh cá. 24 chiến sĩ công an trên đảo cùng đồng lòng thực hiện phong trào xây dựng an ninh Tổ quốc, phong trào Công an huyện đảo đồng hành với các hộ dân:

mỗi đồng chí công an giúp đỡ 1 hộ dân: tuyên truyền pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vận động nhân dân tố giác tội phạm, chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông... Khi người dân đã coi các chiến sĩ công an như con em trong nhà thì họ sẵn sàng chung tay cùng các anh giữ gìn an ninh trật tự, gìn giữ bình yên.

“Thời gian tới, bên cạnh hoạt động du lịch thuần túy, không loại từ hiện tượng phát tán tài liệu có nội dung phản động, trái chiều, các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, hiện vật nhạy cảm... Đấy là chưa kể những nguy cơ khác về an toàn du lịch như cháy nổ, hay trộm cắp, ma túy trốn truy nã...”, Trưởng Công an huyện đảo Cồn Cỏ nhận định.

Khi xác định được như thế, những chiến sĩ mang sắc phục công an luôn đặt nhiệm vụ đầu tiên là phải tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Quan trọng nhất vẫn là phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên huyện đảo, tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên đảo ngày càng vững chắc...

Ngược rừng ra với biển, người lính đã từng kinh qua trận mạc và dạn dày kinh nghiệm chia sẻ: đến với Cồn Cỏ, đối với anh không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ mà là trách nhiệm và cả quyền lợi của người con từ đất liền được cống hiến cho sự bình yên nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Nguồn: An ninh thế giới

Tin mới