Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Doanh nghiệp điện mặt trời lo phá sản vì giá

(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp điện mặt trời đang hoang mang lo lắng khi Quyết định 13 điều chỉnh mức giá giảm 24%, khiến các dự án không còn hiệu quả kinh tế, không khả thi.

Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ 22/5, áp dụng đến hết ngày 31/12/2020) đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới (FIT2) cho các dự án điện mặt trời mặt đất, mái nhà và nổi trên mặt nước. Trong đó, mức giá FIT mới 1.783 đồng/kWh (7,69 cent) dành cho dự án ĐMT nổi (trên mặt nước), 1.644 đồng/kWh (7,09 cent) với ĐMT mặt đất, 1.943 đồng/kWh (8,38 cent) với ĐMT trên mái nhà.

Nhiều bất cập, không khả thi

Nhiều doanh nghiệp ĐMT cho biết mức giá mua điện như Quyết định 13 quá thấp, trong khi thời hạn áp dụng giá mua bán điện lại quá ngắn… Đây là thách thức lớn cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Doanh nghiệp và giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Trước đó, Quyết định 11/2017 do Thủ tướng ban hành tháng 4/2017 quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 9,35 cent/kWh. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án đầu tư và tham gia đầu tư điện mặt trời. Tuy nhiên, theo Quyết định 13/2020 (thay thế Quyết định 11/2017), mức giá giảm 24% (với dự án điện mặt đất) so với trước đây khiến các dự án không còn hiệu quả kinh tế, không khả thi.

Trong bối cảnh lãi suất vay đầu tư các ngân hàng trong nước khoảng 11 – 12%/năm. Hầu hết các đơn vị đang triển khai đối mặt với thách thức và hậu quả thiệt hại kinh tế rất lớn do không tiếp tục triển khai được các dự án vì không vay được vốn tín dụng trong nước.

Thêm nữa, mức giá mua điện có thể chỉ phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài với điều kiện vay vốn tín dụng nước ngoài lãi suất thấp (2,5- 4%/năm theo USD, quy đổi khoảng 6 - 7,5%/năm với đồng VNĐ).

Bên cạnh đó, thời hạn áp dụng giá mua bán điện quá ngắn, từ khi có hiệu lực đến 31/12/2020 chỉ khoảng 7 tháng. Với các dự án đủ điều kiện quy định trong Quyết định, các nhà đầu tư cũng không thể triển khai kịp, kể cả các dự án đã triển khai xây dựng.

Nguyên nhân do khi kết thúc thời hạn áp dụng cơ chế giá theo Quyết định 11/2017, các dự án đang triển khai buộc phải dừng lại do các ngân hàng cung cấp tín dụng không giải ngân tiếp, chờ cơ chế giá mới để tính toán lại hiệu quả dự án mới quyết định giải ngân tiếp, thời gian dự kiến để tái khởi động lại việc đầu tư các dự án.

Theo ông Đào Du Dương, Phó trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP.HCM, từ nay đến 31/12/2020 chỉ còn 7 tháng, trong bối cảnh COVID-19 đầy biến động, thời hạn này gần như là bất khả thi.

“Với điện mặt trời áp mái, từ nay đến 31/12/2020 thời gian là quá ngắn để kịp tiến độ trong điều kiện thi công, còn điện áp mái là ở trên cao, việc đảm bảo an toàn còn ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, đến chi phí nhân công. Phía nam lại sắp vào mùa mưa nên việc ảnh hưởng đến thi công rất lớn”, ông Dương nói.

Từ đó, ông Dương kiến nghị gia hạn thêm thời gian cho điện mặt trời, đồng thời cần có chính sách lâu dài hơn hoặc có thời gian nhất định và rõ ràng hơn cho phát triển điện mặt trời áp mái này 6 tháng trước khi hết hạn FIT2.

Cần một chính sách phát triển cho ngành điện mặt trời một cách lâu dài, bền vững, có định hướng rõ ràng.

Bà Trần Hương Thảo, trưởng đại diện chi nhánh Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa, SolarBK khu vực miền Bắc cho rằng cần một chính sách phát triển cho ngành điện mặt trời một cách lâu dài, bền vững, có định hướng rõ ràng. “Có như vậy, Việt Nam mới đuổi kịp các quốc gia khác trong quá trình chuyển dạng năng lượng tái tạo thần tốc như hiện nay”, bà Thảo nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Toàn, chủ tịch Công ty cổ phần Điện Sài Gòn Gia Định (EHCMC) đề xuất gia hạn thời gian giá FIT, có thể gia hạn FIT2 hoặc phải có ngay giá FTT 3 ngay sau 31/12/2020 để thúc đẩy phát triển thị trường áp mái tại Việt Nam.

“Khi hết FIT2 thì các dự án điện mặt trời quy mô trang trại sau ngày 24/11/2019 cần có cơ chế đầu thấu để các dự án tiếp tục thực hiện được. Chính phủ và nhà nước hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp đường dây truyền tải để giải tỏa công suất cho các nhà máy”, ông Toàn cho hay.

Tương tự, ông Phạm Nam Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Vũ Phong mong muốn kéo dài thời gian của FIT2 tối thiểu tới cuối năm 2021 để người dân và doanh nghiệp có cơ hội kịp đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Ngoài ra, ông Phong cũng nêu ý kiến nên có FIT3 theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, ưu tiên giá cao hơn ở những vùng có bức xạ thấp như miền Bắc, và tại mỗi vùng nên có giá ưu đãi hơn đối với các hệ thống nhỏ (<100kWp) do suất đầu tư hệ thống nhỏ cao hơn, để khuyến khích nhiều người dân và doanh nghiệp nhỏ tham gia đầu tư điện mặt trời.

Lợi bất cập hại?

Chia sẻ với VTC News, đại diện một doanh nghiệp chuyên đầu tư điện mặt trời đánh giá cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT mặt đất theo Quyết định 13/QĐ-TTg đang tạo ra hiệu ứng ngược.

Theo đó, giá mua điện thấp buộc các nhà đầu tư tìm cách giảm giá thành bằng việc giảm giá mua thiết bị (chiếm trên 60% tổng mức đầu tư dự án). Thay vì đầu tư công nghệ mới, hiện đại của các thương hiệu lớn, tiêu chuẩn cao, có giá thành cao (Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ) nhà đầu tư có thể buộc phải chọn cách sử dụng công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất kém… gây lãng phí đầu tư và rủi ro cao. Lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ trở thành bãi rác cho các hàng hóa công nghệ lạc hậu của nước ngoài.

Thứ nữa, thời hạn áp dụng cơ chế khuyến khích đầu tư ngắn khiến các nhà đầu tư không có nhiều thời gian lựa chọn và sẽ bị các nhà cung cấp thiết bị và xây dựng ép giá dẫn đến giá thành đầu tư bị đẩy tăng cao. Nhiều nhà đầu tư sẽ phải cố triển khai cùng lúc, trong khi chuỗi cung ứng hàng hóa, nhân công có hạn và đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng các các chi phí khác cũng có nguy cơ bị đẩy cao.

Ngoài ra, các dự án đẩy nhanh đầu tư hoàn thành đáp ứng tiến độ được hưởng cơ chế giá khuyến khích trong khi việc đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải không đáp ứng nhu cầu truyền tải điện. “Các nhà đầu tư sẽ cố gắng đầu tư dự án, đưa vào vận hành thương mại với công suất lớn nhất có thể tránh rủi ro cơ chế, chính sách sau khi hết thời hạn khuyến khích gây lãng phí đầu tư, lãng phí các nguồn lực xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh”, vị này nói.

Khuyến khích hay dựng rào cản?

Trong khi giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo TS Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, băn khoăn của doanh nghiệp đang đầu tư dự án ĐMT là hoàn toàn chính đáng.

“Doanh nghiệp kinh doanh phải tính đến hiệu quả kinh tế. Từ 9,35 cent xuống 7,09 cent là mức chênh lệch quá lớn. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà đưa ra giá thấp khác biệt như vậy. Tôi cho đây là mức giá không hợp lý. Nếu chỉ giảm 5-10% thì những nhà đầu tư còn có thể triển khai được dự án, chứ giảm 24% thì là một sự khác biệt quá lớn”, TS Bình nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh các chính sách phát triển năng lượng nên khuyến khích tư nhân đầu tư thay vì làm khó và cần có tính lâu dài, bền vững. “Tôi cho rằng những người đưa ra chính sách này không nghĩ đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng mặt trời”, ông Bình nhìn nhận.

Bên cạnh đó, chuyên gia trong lĩnh vực khai thác năng lượng và bảo vệ môi trường này cho rằng thời gian áp dụng Quyết định 13 là một sự không hợp lý như là để thúc ép những nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hậu qủa là màm mất đi sự nhiệt tình và hứng thú của các nhà đầu tư.

“Tôi cho rằng không cần đặt thời điểm như vậy. Đây là một cơ chế khuyến khích nhưng không còn động lực khuyến khích nữa. Rõ ràng “sân chơi” ĐMT đã có những lỗ hổng, tạo nên sự bất bình đẳng cho các nhà đầu tư”, TS Bình nhấn mạnh.

Thái Bình

Tin mới