Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộn thép rơi liên tiếp đe dọa mạng người, cơ quan chức năng quá xem thường?

(VTC News) -

Có phải do cơ quan chức năng quá xem thường nên các vụ cuộn thép, ống bê tông rơi khỏi thùng xe đe dọa tính mạng người đi đường mới xảy ra thường xuyên như vậy?

Khi xe container phanh gấp, 2 cuộn thép ở rơ moóc lăn về phía trước, đè nát cabin. Sự việc xảy ra chiều 14/6/2018 gần cầu Niệm, Hải Phòng. (Nguồn: Hiếu Trần‎/Otofun)

Khi đọc tin lại có thêm 3 chiếc ô tô bị những cuộn thép nặng hàng chục tấn rơi từ xe đầu kéo xuống đập phải, đồng nghĩa với việc ít nhất 3 người chết hụt vào chiều 23/3 ở Hải Phòng, cảm giác của tôi là bất lực và phẫn nộ.

Không biết đây đã là cuộn thép thứ mấy bị rơi rồi? Và tiếp theo sẽ còn bao nhiêu cuộn thép, cuộn inox, ống cống, khối bê tông… nữa văng từ thùng xe xuống đường, nơi có nhiều người qua lại, đe dọa tính mạng của họ?

Mà thứ bị chúng làm hỏng, phá hủy đâu chỉ có những chiếc xe máy hay ô tô. Đã có người chết thảm thương dưới sức nặng hủy diệt của những khối bê tông từ xe đầu kéo rơi xuống.

Tai nạn xảy ra chiều 6/12/2021 trên đường gom dân sinh ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hàng chục khối bê tông ép cọc cỡ lớn (mỗi khối nặng 4 tấn) từ rơ moóc bỗng nhiên thoát khỏi sự ràng buộc, lao xuống đường, đè trúng chiếc xe máy do một thanh niên 27 tuổi cầm lái. Cả người lẫn xe bị vùi lấp, nạn nhân chết tại chỗ, thi thể không nguyên vẹn.

Từ đó đến nay, người dân đã trải qua thêm nhiều lần khiếp đảm khi xem hình ảnh, clip cho thấy những khối vật liệu khổng lồ có sức nặng như cả quả núi nhỏ “từ trên trời rơi xuống” khiến cho những phương tiện gần đó móp, vỡ, thậm chí nát vụn.

Từ lâu, người dân bảo nhau, đi đường hễ thấy những chiếc xe đầu kéo chở loại hàng đó thì phải tránh xa kẻo tai bay vạ gió, mất mạng lúc nào không hay.

Không cần có chuyên môn cũng biết, nếu những khối bê tông, cuộn thép siêu nặng ấy không được cố định thật chắc chắn trên thùng xe thì trong quá trình di chuyển, sự rung lắc khiến chúng có thể va đập vào nhau và tạo lực rất mạnh. Quán tính khi phanh gấp hay vào cua sẽ khiến cho những sợi cáp, sợi xích trở nên yếu ớt và có thể đứt bất cứ lúc nào.

Cuộn thép rơi từ xe đầu kéo, đè bẹp xe máy ở Bình Dương ngày 23/1. Hai thanh niên đi xe máy  thoát chết do nhảy ra kịp thời. (Ảnh: Tiền Phong) 

Vì thế, việc sắp xếp loại hàng hóa đặc biệt này lên ô tô cần phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn đặc biệt, cần những trang thiết bị chuyên dụng, không thể tùy tiện, qua loa. Nhưng hết lần này đến lần khác, những khối nặng ấy vẫn cứ trở thành tai họa từ trên trời rơi xuống, chứng tỏ khâu xếp hàng hóa không được thực hiện đúng, cũng không được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

“Sao cứ để rơi hoài vậy? Cả loạt cuộn kim loại nặng hàng tấn chứ có phải bó rau muống buộc sau xe đạp đâu mà chằng néo hời hợt, qua loa quá thế?”. Có rất nhiều bình luận tương tự dưới các tin tức về loại tai nạn này, cùng với đó là những lời khẩn cầu: “Tôi tha thiết mong cơ quan chức năng vào cuộc thật mạnh mẽ để ngăn những chuyến xe tử thần”; “Chừng nào mới có cách ngăn những chiếc xe này lăn bánh?”…

Khi sự cố đứt xích, đứt cáp xảy ra khiến các cuộn thép, ống bê tông rơi xuống đường, người gặp rắc rối với pháp luật đầu tiên là tài xế. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều kẻ gây họa trong những trường hợp như vậy, như chủ hàng và đơn vị vận chuyển, những bên có thể vì tiết kiệm chi phí mà cắt giảm yếu tố an toàn.

Và không thể không quy trách nhiệm cho các đơn vị chức năng có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát. Nếu họ không tắc trách, không lơ là, thờ ơ thì chuyện những cuộn thép rơi ầm ầm từ thùng xe xuống đường không diễn ra thường xuyên, liên tục đến thế.

Thỉnh thoảng, tôi thấy ngành Giao thông Vận tải mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng, xếp hàng hóa trên ô tô. Các văn bản chỉ đạo cũng yêu cầu tập trung xử lý các vi phạm về xếp hàng hóa trên ô tô ngay tại các đầu mối như cảng, bến, ga, mỏ vật liệu, kho hàng, nhà máy…

Nhưng những cú rơi kinh hoàng liên tiếp diễn ra đầu năm nay chính là sự đánh giá chính xác nhất hiệu quả thực tế của việc kiểm tra, xử lý đó.

Ít nhất 2 sự cố gây khiếp sợ vẫn xảy ra sau khi Thông tư 41/2023 của Bộ Giao thông Vận tải (quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ) có hiệu lực vào ngày 15/2 vừa qua. Đó là vụ những cuộn thép rơi làm hỏng 3 xe con ở Hải Phòng ngày 23/3 và vụ 3 cuộn inox đập vỡ đầu ô tô đang dừng đèn đỏ ở nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đêm 19/2.

Mặc dù vậy, sự ra đời của văn bản này thay thế cho Thông tư 35/2013 ban hành hơn 10 năm trước vẫn tạo thêm nhiều hy vọng. Đó là một trong những điều kiện cần để xóa bỏ “tai họa từ trên trời rơi xuống” luôn là nỗi kinh hãi, ám ảnh của người đi đường.

Không chỉ nêu rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, lái xe và người áp tải, người thuê vận tải, người xếp hàng lên xe, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải, Thông tư 41/2023 còn có phụ lục hướng dẫn chi tiết về những trang thiết bị dùng dể gia cố, chằng buộc, chèn lót hàng hóa, hướng dẫn xếp và che phủ từng loại hàng như hàng rời, hàng dạng trụ, cuộn…với hình vẽ kèm theo.

Nhưng dù quy định mới đã có, nếu lực lượng chức năng không vào cuộc thật mạnh mẽ, nếu việc kiểm tra, giám sát chỉ được tăng cường gắt gao trong các dịp cao điểm thì vẫn sẽ còn những chuyến xe tử thần lọt lưới, chực chờ lấy mạng người bất cứ lúc nào. 

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

VĂN CẢNH

Tin mới