Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

CIA đã thao túng tâm trí con người thế nào trong Chiến tranh Lạnh?

CIA lập ra nhà thổ như một cái bẫy để thử nghiệm thuốc gây ảo giác trên người khách mua dâm vào những năm 1950.

Ngày 10/10/1953, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Allen Dulles phát biểu trước một nhóm cựu sinh viên Đại học Princeton. Khi đó, căng thẳng của Chiến tranh Lạnh đang tăng cao. Chiến tranh Triều Tiên sắp kết thúc và New York Times vừa đăng một bài báo gây sửng sốt, nói rằng tù binh Mỹ hồi hương có thể đã bị "tẩy não".

"Trong vài năm gần đây, chúng ta nghe nhiều về cuộc chiến giành quyền kiểm soát tâm trí của con người. Tôi tự hỏi liệu chúng ta có nhận thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề hay không", Dulles nói. Ông cho rằng Liên Xô đã sử dụng "những kỹ thuật cải tạo tâm trí" và đã bỏ xa Mỹ về mảng này.

 Cựu giám đốc CIA Allen Dulles. (Ảnh: AP).

Những tin đồn về "chiến tranh tâm trí" là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ những năm 1950, được thúc đẩy bởi những câu chuyện về những binh sĩ Mỹ thú nhận tội ác chiến tranh, như thực hiện chiến tranh vi trùng - cáo buộc mà Mỹ đã bác bỏ. Một số người được cho là bị "tẩy não" đến mức họ từ chối trở về Mỹ.

Ba ngày sau bài phát biểu trước các cựu sinh viên. Dulles phê chuẩn MKUltra, chương trình sử dụng vật liệu sinh học và hóa học bí mật. Dự án được thực hiện thông qua Văn phòng Tình báo Khoa học của CIA phối hợp với Phòng thí nghiệm Chiến tranh Sinh học Quân đội Mỹ.

Họ muốn phát triển các kỹ thuật có thể được sử dụng để chống lại Liên Xô và các đối thủ khác bằng cách kiểm soát hành vi của con người qua thuốc hay các biện pháp khác. CIA muốn sản xuất ra thuốc "nói sự thật" để thẩm vấn những người bị nghi là điệp viên Liên Xô. Ngoài ra, họ còn muốn tìm cách thao túng các lãnh đạo nước ngoài.

CIA chi khoảng 10 triệu USD tiến hành các thí nghiệm tập trung vào việc điều chỉnh hành vi thông qua dùng thuốc, hóa chất, liệu pháp sốc điện và thôi miên. Các đối tượng tham gia thí nghiệp gồm tình nguyện viên, những người bị ép buộc và cả những người hoàn toàn không biết họ liên quan đến một chương trình nghiên cứu quốc phòng.

Phần lớn nỗ lực của CIA tập trung vào thuốc gây ảo giác LSD vì cho rằng nó có thể hỗ trợ việc thẩm vấn. Cuối những năm 1940, CIA nhận được thông tin rằng Liên Xô đã đẩy mạnh sản xuất LSD trong khi người Mỹ có ít hiểu biết về nó.

Họ thí nghiệm với các bệnh nhân tâm thần, tù nhân, người nghiện ma túy và gái mại dâm đây vì đây là những người ít có khả năng phản kháng nhất. Tù nhân là những mục tiêu tốt vì họ sẵn sàng đồng ý để đổi lấy thêm thời gian giải trí trong tù hoặc được giảm án.

 Whitey Bulger, cựu trùm tội phạm có tổ chức bị tiêm LSD năm 1957. Ảnh: Donaldson Collection.

Whitey Bulger, cựu trùm tội phạm có tổ chức là đối tượng thí nghiệm năm 1957 tại nhà tù Atlanta. "8 tội phạm hoảng loạn và gặp ảo giác. Chúng tôi không muốn ăn gì. Căn phòng thay đổi hình dạng. Chúng tôi thấy những cơn ác mộng biến thành hiện thực và thậm chí là máu chảy ra từ các bức tường. Những người đàn ông biến thành bộ xương trước mặt tôi. Tôi thấy một chiếc camera biến thành đầu con chó. Tôi cảm thấy như mình sắp phát điên", Bulger mô tả trải nghiệm khi bị tiêm LSD.

Họ còn cho các nhân viên CIA, quân nhân, bác sĩ, nhân viên chính phủ và người dân bình thường sử dụng LSD để nghiên cứu phản ứng. Những thí nghiệm này thường được thực hiện mà không có sự đồng ý của đối tượng. Mục đích là tìm ra những loại thuốc có thể khiến con người nói ra bí mật hay quét sạch tâm trí của một người và khiến người đó tuân lệnh như một con robot.

Nội dung tai tiếng nhất trong dự án là Chiến dịch Cao trào Nửa đêm. Năm 1955, CIA thiết lập một số nhà thổ tại San Francisco, California để dụ dỗ những người đàn ông đến đây. Khách mua dâm bị chuốc LSD, phản ứng của họ được người đứng đầu chiến dịch quan sát qua gương một chiều (người phía bên này gương không biết mình đang bị nhìn trộm) và được ghi hình để nghiên cứu.

Ở các thí nghiệm khác, chủ thể bị cho dùng LSD mà họ không hay biết. Sau đó, họ bị thẩm vấn dưới ánh đèn sáng, ép nói ra bí mật trong khi các bác sĩ ở phía sau ghi chép. Những người bị thẩm vấn là nhân viên CIA, quân nhân Mỹ và các đặc vụ bị nghi ngờ làm việc cho đối thủ. Một số người đã bị suy nhược lâu dài và tử vong.

Một kỹ thuật khác được nghiên cứu là tiêm vào tĩnh mạch thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương barbiturate vào một cánh tay và chất kích thích amphetamine vào cánh tay kia. Barbiturate được tiêm trước, khiến người này đi vào giấc ngủ. Sau đó, khi chất kích thích được tiêm, người này sẽ rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê, nói năng không mạch lạc. Các nhà khoa học sẽ đặt câu hỏi và đôi khi nhận được câu trả lời hữu ích.

Các nhà nghiên cứu sau này đánh giá khó có thể sử dụng LSD vì quá khó đoán trước kết quả. Dự án giảm quy mô sau khi John Vance, một thành viên của cơ quan thanh tra CIA, năm 1963 phát hiện dự án thực hiện thí nghiệm với những người không tự nguyện.

Năm 1973, khi chính quyền Richard Nixon đối mặt với bê bối Watergate (những người thân cận với Nixon tổ chức cuộc đột nhập vào văn phòng đảng Dân chủ), giám đốc CIA khi đó là Richard Helms đã ra lệnh phá hủy tất cả hồ sơ về MKUltra. Khoảng 20.000 tài liệu "sống sót" vì chúng bị lưu trữ nhầm trong một tòa nhà giữ hồ sơ tài chính.

Năm 1977, thượng viện tổ chức phiên điều trần về tác động của MKUltra. Nhiều cựu nhân viên CIA được triệu tập nhưng những người này nói rằng họ không nhớ chi tiết những cuộc thử nghiệm hay số lượng người tham gia. MKUltra bị chỉ trích là đáng ghê tởm và phi đạo đức.

 Frank Olson, người tự tử sau khi bị cho dùng LSD năm 1953. (Ảnh: Metro).

Do hầu hết hồ sơ bị hủy, không thể xác định chính xác số người thiệt mạng vì dự án. Một nạn nhân gây chú ý là nhà nghiên cứu vũ khí sinh học Frank Olson. Ông này không biết rằng mình đã được cho dùng LSD vào tháng 11/1953 và đã nhảy lầu tự tử một tuần sau đó.

Sau khi dự án bị phanh phui, một số người nộp đơn kiện chính phủ liên bang vì tiến hành các thí nghiệm mà không có sự đồng ý của họ. Một số người đã được bồi thường, trong đó gia đình Olson nhận được 750.000 USD.

Nguồn: VnExpress

Tin mới