Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch QH: Sửa Luật Đất đai để ngăn cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật

(VTC News) -

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết quả sửa Luật Đất đai sẽ thể hiện kết quả chủ trương chống tiêu cực, ngăn chặn cài cắm lợi ích trong xây dựng pháp luật.

Phát biểu tại buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 22/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định rằng, kết quả sửa đổi Luật Đất đai sẽ phản ánh việc có thực hiện tốt chủ trương chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, ngăn việc cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật hay không.

"Tổng Bí thư nói rồi, giàu lên từ đất, nghèo đi vì đất, tranh chấp khiếu nại vì đất đai, cạn tàu ráo máng với nhau vì đất đai, tham nhũng từ đất đai, tù tội vì đất đai", ông Huệ nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quá trình sửa đổi luật cần bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, không nhắc lại tinh thần lời văn của Nghị quyết.

"Khi xây dựng Nghị quyết 18 có khoảng 19 nhóm vấn đề lớn khác nhau đặt ra cho ý kiến, nhưng cuối cùng Bộ Chính trị trình Trung ương rút lại 16 nhóm. Những vấn đề đã đặt ra mà chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa đủ độ chín, chưa có kết luận của Trung ương thì chưa đưa vào luật này, anh nào đưa vào là vi phạm", ông Huệ lưu ý.

Có những vấn đề không thể thực hiện được hoặc chưa đủ độ chín để Trung ương ra Nghị quyết thì không đưa vào phương án để xin ý kiến, như thế là sai nguyên tắc. Ông Huệ khuyến nghị như vậy và nêu ví dụ được quy định ở Điều 70 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm cả các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý.

"Cơ chế một dự án đang tự thỏa thuận là quan hệ về dân sự, giờ bảo 80% đồng ý rồi, còn 20% không đồng ý thì áp dụng cơ chế thu hồi đất, như vậy làm sao được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để thu hồi đất. Trung ương có chủ trương thế đâu, vì thỏa thuận là thỏa thuận, thu hồi là thu hồi", ông Huệ nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định về đất đai qua các thời kỳ đã được chứng minh là đúng mà không có vấn đề gì.

"Sửa đổi nhưng đảm bảo tính thực tiễn. Tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay; những vấn đề mang tính hiện tượng, sự vụ, nhỏ lẻ. Không phải bất cứ đơn vị cá nhân A, B, C nào đề xuất thì đưa vào đây”, ông Huệ yêu cầu.

Nói về quá trình xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính công, đất đai mang tính chất tư (giao dịch, cho thuê, thừa kế, tặng, cho), phải tường minh, không lẫn lộn việc này sang việc kia.

Về áp dụng pháp luật, ông Huệ lưu ý, cần xem xét để làm sao vừa thể hiện Luật Đất đai là bộ luật cơ bản về đất đai nhưng cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về quy phạm pháp luật trong thực hiện pháp luật.

Thu hồi đất làm khu đô thị là không phù hợp

Sáng 22/9, thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm tuân thủ quy định tại điều 54 Hiến pháp năm 2013.

Ông Thanh cho rằng quy định tại điểm h khoản 2 điều 70 dự thảo luật về việc Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.

Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Mặt khác, nghị quyết số 18 của Trung ương đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

"Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, đặc biệt là khi thu hồi đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp", ông Thanh nói.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

"Xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi", ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thanh cho rằng nên cân nhắc các nội dung như làm rõ nội hàm của các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng, cân nhắc trường hợp “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý"...

Anh Văn

Tin mới