Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA mở cơ hội cho nông sản Việt trong bối cảnh dịch virus Covid-19

(VTC News) -

EVFTA mở ra cơ hội phát triển lớn cho xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường của hàng hoá Việt Nam, trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus Covid-19 đang lan rộng và khó lường.

Nội dung được ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương – chia sẻ tại Họp báo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 12/2 tại Hà Nội.

Theo ông Tuấn Anh việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,33% là kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa với Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hai đối tác chiến lược và toàn diện đã triển khai đàm phán ký kết hai hiệp định.

“Với việc thông qua tại Nghị viện châu Âu, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU ngày càng toàn diện, là điểm nhấn mà hai nước đang có hướng về tương lai, với mối quan hệ đa phương, có ý nghĩa khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và dân tuý đang gay gắt. Liên minh châu Âu cũng đánh giá cao đối tác Việt Nam, toàn diện và tin cậy trong phạm vi Đông Nam Á và khu vực toàn cầu,” ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh EVFTA đặc biệt có ý nghĩa giữa bối cảnh dịch virus Covid-19. (Ảnh: M.K)

Trước câu hỏi việc EVFTA được thông qua sẽ có tác động thế nào trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do virus Covid-19 đang lan rộng và khó lường? Ông Tuấn Anh nhấn mạnh “EVFTA đặc biệt có ý nghĩa giữa bối cảnh dịch bệnh”.

Trước hết, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, EVFTA ý nghĩa vì quan điểm của Đảng và Nhà nước thực hiện đối ngoại đa phương, đa dạng hoá mối quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại khi hiện nay đã có quan hệ với hơn 200 đối tác, giúp vị thế đất nước ngày càng tăng lên ở nhiều lĩnh vực.

Thứ nữa, với độ mở lớn, thương mại và xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng trong cơ cấu GDP và tăng trưởng. 

Khi dịch bệnh xuất hiện và kéo dài, cho thấy hạn chế và bất cập trong phát triển thị trường và năng lực cạnh tranh của hàng hoá, đặc biệt là hàng nông sản, thuỷ sản vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên thời gian qua đã chứng kiến tình trạng hàng nông sản, thuỷ sản bị ách tắc.

“Thực tế này đặt ra yêu cầu tái cơ cấu sản xuất, đưa công nghệ và hàm lượng khoa học vào sản phẩm, đáp ứng điều kiện truy suất ngồn gốc, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm…”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Tuấn Anh, Châu Âu là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Trong khi Việt Nam có nhiều ngành hàng tốt như cà phê, thuỷ sản, dệt may, da giày…  Tuy nhiên, để vượt qua rào cản kỹ thuật này, Việt Nam không chỉ gia tăng năng lực sản xuất mà phải tái cơ cấu hiệu quả, thực hiện giải pháp về cải cách hệ thống pháp lý, đáp ứng điều kiện tham gia chuỗi cung ứng, điều kiện người lao động.

“Việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu, như nhóm hàng nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về rào cản kỹ thuật là yêu cầu đặt ra. Chúng ta sẽ sớm đàm phán và mở cửa thị trường, xây dựng cơ chế kiểm dịch động thực vật để công tác phát triển thị trường, tiêu thụ hàng hoá tốt hơn. Gắn với đấu tranh chống lan giận và xuất xứ thương mại để tránh lợi dụng cơ chế ưu đãi thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải đầu tư bất hợp pháp là yêu cầu đặt ra”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thông tin thêm, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến kỳ họp Quốc hội gần nhất (dự kiến vào tháng 5), Bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch nước và Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua. Song song với đó Bộ sẽ chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động để tận dụng EVFTA. “Theo tiến độ, dự kiến tháng 7 EVFTA sẽ được đưa vào thực thi”, ông Tuấn Anh nói.

Đòn bẩy tăng trưởng

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng khi mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường rộng lớn của EU.

Cụ thể, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Tiếp đó, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ngoài xuất khẩu, EVFTA sẽ có tác động lớn đến các lĩnh vực sản xuất, đầu tư và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới.

Xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận biết nhất nhưng cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, cả từ trong nước và từ nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất bởi nó sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.

“Nhiệm vụ của Việt Nam là chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, về nhân lực, về cơ chế .. để đón dòng đầu tư này. Nếu không làm được những việc đó thì kỳ vọng sẽ mãi chỉ là kỳ vọng mà thôi”, ông Khánh nói.

Hoàng Hưng

Tin mới