Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phạt nặng tài xế ‘ma men’ - cơ hội dẹp bớt quán nhậu, lấy động lực phát triển

(VTC News) -

Việc phạt nặng người lái xe sau khi uống dù chỉ chút xíu rượu bia được dự báo sẽ làm “teo tóp” quán nhậu, cơ hội để người Việt dồn sức khỏe, thời gian, tiền bạc vào lao động sáng tạo, giúp đất nước phát triển.

“Văn hóa nhậu” giết người, hại nòi giống

Lâu nay, nhiều người vẫn coi chúc rượu là nét văn hóa của Việt Nam, với những câu “phi tửu bất thành lễ”, “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Các đám, tiệc mang tính cộng đồng như ma chay, cúng giỗ, cưới xin nếu thiếu bia rượu sẽ coi như thiếu sót. Các chàng trai muốn tìm hiểu yêu đương phải biết “làm mấy chén” với bố hoặc anh của bạn gái. Trên bàn nhậu, nâng ly mời mà người kia không uống được coi là tình huống gây mất mặt vì “mày khinh tao”; còn người từ chối uống bị cả bàn khích “mượn váy mẹ mà mặc”. Chẳng biết từ bao giờ, không phải miếng trầu mà bia rượu mới là “đầu câu chuyện”. Điều này càng đúng với chuyện kết nối công việc, kinh doanh.

Vì thế, người người đua nhau “rèn luyện bản lĩnh” bên bàn nhậu. Nhiều thanh niên vốn chỉ nhấp một ngụm là đủ chuếnh choáng, cứ “tập” mãi rồi cũng thành bợm nhậu “ngàn ly không say”. Ngày càng nhiều phụ nữ uống rượu thần sầu. Từ dân văn phòng, doanh nhân, lao động phổ thông đến sinh viên đều mê mải nhậu.

Và điều tất yếu là quán nhậu mọc lên vô số, từ thành phố đến nông thôn, miền núi. Ra đường tìm hiệu thuốc có thể khó, chứ quán nhậu thì nhìn đâu cũng thấy, từ nhà hàng sang trọng đến mấy bàn nhựa nơi góc chợ, vỉa hè. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… hình thành các trung tâm nhậu, phố nhậu nườm nượp khách từ sáng sớm đến đêm khuya.

Tại Việt Nam, đâu đâu cũng có thể tìm thấy quán nhậu.

Khoảng 3-4 tỷ lít bia được “rót” vào các điểm nhậu ngoài phố và “tại gia” mỗi năm. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 cho thấy, trung bình một người Việt trên 15 tuổi mỗi năm tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Lượng bia rượu khủng khiếp đó là nguyên nhân của 11% trong hơn 8.000 trường hợp chết do tai nạn giao thông mỗi năm, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, có tới 60% số ca cấp cứu liên quan tới tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu bia.

Rượu bia không chỉ giết người do tai nạn trên phố mà còn gây thương vong do các “ma men” đánh nhau. Bộ Y tế cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 có 5.300 ca cấp cứu vì đánh nhau, chủ yếu do bia, rượu. Số liệu của WHO cũng tiết lộ, khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần Việt Nam dành cho bệnh nhân loạn thần do rượu bia... Đó là chưa kể hàng loạt bệnh hiểm khác ở tim, gan, thận, dạ dày, tình trạng vô sinh, dị tật thai nhi…do thói quen dùng đồ uống có cồn gây ra.

Dẹp quán nhậu để nước bớt nghèo

Không chỉ giết người, hủy hoại giống nòi, hằng hà sa số quán nhậu trên khắp đất nước đang từng ngày làm suy kiệt nền kinh tế. Trước hết, bằng việc gây thương vong và bệnh tật, rượu bia làm giảm số lượng và chất lượng lao động.

Nhậu nhẹt cũng đồng nghĩa với bớt xén thời gian lao động, không chỉ là vài tiếng đồng hồ ngồi bên bàn rượu. Trở về công sở trong tình trạng có hơi men cũng là hình thức “ăn cắp” thời gian làm việc, bởi trí óc không ở trạng thái tốt nhất sẽ làm giảm hiệu quả công việc. Thiệt hại này, không chỉ công ty mà cả nền kinh tế phải gánh. Với những lao động kém chất lượng, đất nước nghèo đi.

Nghị định 100/2019 những ngày đầu năm 2020 như giáng đòn chí mạng vào các quán nhậu khi lượng khách giảm rõ rệt.

 

Nói về thiệt hại kinh tế, không thể không tính đến số tiền mà cả nước đổ vào bia rượu. Theo tính toán của hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), con số này là 7,7 tỷ USD vào năm 2019.

Theo WHO, tổn thất tiền bạc do rượu bia tại Việt Nam ước tính khoảng 65.000 tỉ đồng. Chỉ riêng tổng chi phí điều trị 6 loại ung thư phổ biến liên quan đến rượu bia (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) là gần 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm 1% GDP, tương đương 50.000 tỉ đồng.

Thiệt hại đó chắc chắn sẽ giảm nếu chúng ta giảm được số quán nhậu. Đây là điều được dự đoán sẽ xảy ra sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đi vào cuộc sống, với quy định cấm hoàn toàn việc lái xe – kể cả xe thô sơ – sau khi uống rượu bia. Người vi phạm bị phạt nặng, số tiền phạt thậm chí cao hơn giá trị chiếc xe. Nếu bỏ xe để trốn phạt, người đó phải chấp nhận bị tước quyền lái xe vĩnh viễn.

Thực tế xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 những ngày đầu năm 2020 cho thấy, nhiều người vi phạm tuyên bố “cạch đến già” việc cầm lái sau khi nhậu. Các quán nhậu vắng khách rõ rệt. Nhiều quán thậm chí phải cứu vãn tình hình bằng cách mở thêm dịch vụ đưa khách về nhà với giá rẻ, cho khách gửi xe miễn phí qua đêm để họ bắt taxi về, nhưng lượng khách nhậu vẫn chỉ bằng một phần nhỏ so với trước đây.

Nếu luật và nghị định mới được thực hiện nghiêm, số người nhậu, tần suất nhậu, lượng rượu mỗi lần nhậu giảm, chắc chắn sẽ kéo theo giảm số lượng, quy mô quán nhậu. Điều này còn góp phần giảm nạn tắc đường, bởi rất nhiều hàng quán vô tư kê bàn, dựng xe kín cả vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường.

CSGT TP.HCM ra quân kiểm tra, xử lý những ma men sau khi Nghị định 100/2019 bắt đầu có hiệu lực.

Rõ ràng, việc xử phạt nặng tài xế uống rượu bia tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ không chỉ trên đường phố. Việc đánh mạnh vào túi tiền người vi phạm lập tức điều chỉnh hành vi của cộng đồng, theo thời gian sẽ tạo thói quen, và khi đủ lâu sẽ hình thành văn hóa với đúng nghĩa của từ này, thay cho cái “văn hóa nhậu” tai hại. Người Việt sẽ trở nên văn minh, lành mạnh hơn, phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn, đất nước sẽ giàu mạnh hơn.

Khi Luật Phòng chống tác hại của rượu còn trong giai đoạn dự thảo, có ý kiến phản biện rằng việc hạn chế rượu bia sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, các công ty rượu bia chỉ đóng thuế khoảng 1,2 tỉ USD mỗi năm, trong khi thiệt hại do tai nạn giao thông đã lên tới 1 tỉ USD. Mặt khác, nếu lượng tiêu thụ thứ đồ uống độc hại này chỉ giảm 15%, số tiền tiết kiệm được đã bằng với số tiền mà ngành rượu bia đóng thuế.

Nghĩa là, dù “tính ngược tính xuôi” thế nào, việc hạn chế quán nhậu cũng mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế. Ngoài việc tiết kiệm tiền, người dân một khi không lãng phí thời gian, sức khỏe vào quán nhậu sẽ dồn nguồn lực này vào lao động, sáng tạo. Nói cách khác, việc phạt nặng những người uống rượu bia khi lái xe là góp phần vào phát triển kinh tế.

Tân Nguyên

Tin mới