Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bí mật được chôn giấu suốt 12 năm của phạm nhân Vũ Quốc Hội

(VTC News) -

Để các con có tuổi thơ trọn vẹn, phạm nhân Vũ Quốc Hội dặn gia đình nói dối bố đi công tác, bí mật này được chôn giấu suốt 12 năm, cho đến khi con trai vào đại học.

Sau giờ lao động cải tạo, Vũ Quốc Hội (45 tuổi) lặng lẽ trở về phòng giam. Anh mở chồng thư gia đình gửi ra đọc lại, những con chữ tưởng chừng như đã thuộc lòng, nhưng càng đọc, anh càng chua xót, day dứt.

Bên ngoài song sắt, nắng nhuộm vàng khoảng sân Trại giam Thanh Cẩm (Cục C10, Bộ Công an). Hội nghĩ, không biết quê nhà cách đó 200 km trời có đang nắng như vậy, các con anh đã nghỉ hè và lên lớp như thế nào suốt 14 năm nay.

Hôm đó, các con Vũ Quốc Hội đang chìm trong ngủ thì công an đến đọc lệnh khám xét, bắt giữ. Đứa con nhỏ hơn 3 tuổi hồn nhiên hỏi bố sao hôm nay nhà mình nhiều các chú công an thế rồi lon ton đi rót nước mời khách.

Khi Hội tra tay vào còng, bị đưa lên xe đặc chủng, người vợ nhìn theo khóc ngất. Ngồi trên xe, Hội chỉ biết nhìn với theo động viên vợ “cố gắng khỏe mạnh, nuôi dậy con rồi anh sẽ sớm về”.

Phạm nhân Vũ Quốc Hội dằn vặt lương tâm mỗi khi đọc thư của con trai viết.

Mặc dù an ủi vợ như thế nhưng trong lòng Hội biết rõ, mức án 26 năm tù cho 2 tội danh Tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép và một tội danh khác liên quan đến môi giới xây dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, rất lâu nữa người đàn ông này mới có cơ hội trở về.

"Lúc tòa tuyên án 26 năm tù, tôi nói với vợ 'em còn trẻ, tuổi xuân thì có hạn, em không nên chờ đợi anh nữa. Anh không trách móc gì em cả. Anh thành thật xin lỗi em. Em hãy đi bước nữa đi vì anh 26 năm không biết có về được hay không, mà nếu có về được cũng già rồi'. Nhưng, vợ gạt ngang lời tôi, khóc và bảo tôi cố gắng giữ sức khỏe để cải tạo. Ở nhà cô ấy sẽ chăm sóc 2 con nên người, chăm sóc hai bên gia đình nội ngoại. Và cô ấy đã làm đúng như thế. Đến nay con trai cả tôi đã đỗ 3 trường đại học, con trai út đang học lớp 12”, Hội kể.

Nhắc đến con trai, đôi mắt kẻ tù tội ánh lên niềm hi vọng xen lẫn tự hào. Ngày Hội bị bắt giam, con trai lớn mới học lớp 1, đứa thứ 2 lên 3 tuổi. Để giữ cho con tuổi thơ hồn nhiên, anh nói với người thân giấu bọn trẻ bố mình đi tù. Hai đứa con Hội cứ thế lớn lên với niềm tin bố đang đi công tác xa nhà, thỉnh thoảng chỉ được trò chuyện với bố qua cuộc điện thoại ngắn ngủi.

Lá thư con trai viết gửi phạm nhân Hội.

Bảy năm sau ngày dính vào lao lý, Hội bất ngờ nhận được lá thư đầu tiên của con trai, những câu chữ ngây ngô khiến trái tim người đàn ông quặn thắt.

"Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2015

Bố kính yêu!

Đã 7 năm rồi con chưa được gặp bố, con nhớ bố lắm nhưng con cũng quen rồi. Con biết rằng ở trong Nam, bố đang rất vất vả để trả nốt món nợ. Ở trong đó sức khỏe bố ổn chứ, cơ thể còn khỏe mạnh như trước không?...

Cuối thư, con chúc bố khỏe mạnh, thành đạt và cố gắng thu xếp công việc rồi trở về với chúng con sớm nhất có thể.

Con trai của bố"

Thì ra lũ trẻ vẫn đang lo lắng cho bố lao động vất vả kiếm tiền để trả nợ, chúng ngày đêm mong ngóng bố trở về. Càng nghĩ, Hội càng đau đớn, dằn vặt, anh đã không vượt qua cám dỗ bản thân, tự tay cướp đi một gia đình trọn vẹn của các con mình.

Hội ước lời nói dối "bố đi công tác" sẽ giữ được mãi, anh lo sợ khi các con biết sự thật về người bố tù tội, chúng sẽ thất vọng, xa lánh anh. Và lời nói dối này đã được người thân của anh giữ kín suốt 12 năm, cho đến khi đứa con trai lớn trưởng thành, thi đỗ đại học. 

"Tôi luôn dặn vợ, gia đình 2 bên, bạn bè nếu như các cháu hỏi thì nói rằng bố đi công tác, tôi không muốn nói sự thật để khỏi ảnh hưởng đến việc học hành của chúng nó. Đến tháng 6/2019, con trai lớn thi tốt nghiệp cấp 3, đậu 3 trường đại học, tôi nói với vợ là thôi bây giờ không giấu nữa cho con nó biết. Lúc nói ra điều này, bản thân tôi rất xấu hổ và có lỗi với con trai, sâu tận đáy lòng vô cùng hối hận khi đã để gia đình mình chia xa như thế này", phạm nhân Hội chia sẻ.

Hội đã nói dối con 'bố đi công tác' suốt 12 năm.

Sau khi thống nhất cho con biết sự thật mình không hề đi công tác mà là đi tù, Hội như trút được gánh nặng nhưng trong lòng lại đầy lo lắng, bất an. Bao năm qua, Hội chỉ dám ôm ấp con trong mơ, mân mê từng dòng thư con viết, ngắm nhìn sự trưởng thành của các con qua những bức ảnh người thân gửi vào trại giam. Lần đầu tiên Hội được gặp lại con sau hơn 10 năm xa cách là dịp 2/9/2016.

"Lúc vợ tôi dẫn con vào thăm, đứa trẻ năm xưa giờ là thanh niên cao lớn. Tôi nói với cán bộ không nói gì xem con có nhận ra bố không. Nó rất bình tĩnh, cất 2 túi đồ xong liền lao ra ôm chặt bố, nghẹn ngào không nói được gì cả. Tôi đã cố dặn lòng mình không được khóc nhưng tôi thể kìm nén được nước mắt, vợ tôi nhìn theo cũng xúc động tràn nước mắt. Cả gia đình phải ngồi một lúc mới nói chuyện được", Hội nhớ lại.

Nam phạm nhân hiểu rằng, kể từ giây phút này, lời nói dối nặng trĩu bao năm nay đã được phá vỡ, cả anh và con đều phải chấp nhận sự thật. Lúc này, người con cũng thổ lộ những lời đã giấu kín để bố vơi bớt đi nỗi day dứt: “Thôi bố, con biết rồi. Con biết không phải bố đi công tác, nếu bố đi công tác thì 1-2 năm bố cũng phải về thăm mẹ con con, nhưng thấy mọi người giấu nên con cũng xuôi theo”.

Càng nghĩ đến con, Hội càng khát khao tự do, được trở về với gia đình, ăn một bữa cơm đầm ấm bên vợ con. Cách duy nhất nam phạm nhân có thể làm là cải tạo thật tốt. Hội được ban giám thị tin tưởng giao cho làm về chính sách, chế độ sống của phạm nhân. Đến nay, Hội đã 4 lần được giảm án, giảm đi hơn 7 năm tù. Hội nói, nếu tiếp tục cải tạo tốt, có thể Tết sang năm, anh sẽ được về nhà.

Nam phạm nhân chia sẻ, việc đầu tiên anh muốn làm sau khi kết thúc thời gian thi hành án là đi thăm nội, ngoại, sau đó đưa vợ con đi du lịch. Khi đã ổn định, anh sẽ quay lại kiếm tiền để bù đắp cho vợ con.

"Tôi xác định khả năng của mình, làm được cái gì để bắt đầu phát triển, ví dụ như khả năng của tôi là chuyên nghiên cứu về bất động sản thì làm trong bất động sản, làm môi giới, tư vấn về cả vấn đề phong thủy. Vợ tôi có hàng quần áo nhỏ, tôi sẽ đưa đón vợ đi làm. Nếu chưa làm được việc gì lớn thì tôi làm cả xe ôm luôn để có thu nhập thêm cho vợ con đỡ khổ", người đàn ông nói, lòng đầy quyết tâm.

Hội nói, anh đang trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Anh cho rằng, khi trả xong bản thân sẽ cảm thấy thanh thản và sẽ làm một người công dân lương thiện. "Tôi xác định vấp ngã này là một sự trả giá đắt, trả xong món nợ tôi cảm thấy rất thanh thản, mới dám ngẩng cao đầu lên nhìn mọi người...".

Nhận xét về phạm nhân Vũ Quốc Hội, Thượng úy Lê Văn Trúc, cán bộ giáo dục phân trại số 2, Trại giam Thanh Cẩm cho biết, thời gian đầu, phạm nhân Hội mới vào trại, số tiền bồi thường dân sự rất lớn, nên phạm nhân này có tư tưởng bất an, chưa biết con đường chấp hành án của mình như thế nào để có điều kiện, được giảm án.

“Tôi và cán bộ trại giam phân trại số hai có gặp gỡ, động viên, hướng phạm nhân những điều kiện cần thiết như viết đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để được xếp loại khá, để đủ điểu kiện giảm án”, Thượng úy Lê văn Trúc nói.

Theo Thượng uý Lê Văn Trúc, phạm nhân Hội đang nằm trong Ban Thường trực thi đua của phạm nhân, đồng thời là trưởng Tiểu ban lao động đời sống của phạm nhân, theo dõi đời sống chính sách cho phạm nhân. Phạm nhân Hội luôn có trách nhiệm trong công việc cán bộ giao.

Minh Tuệ

Tin mới