Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải cứu nông sản: Cần dừng ngay trước khi quá muộn

(VTC News) -

Tại tọa đàm "Có nên giải cứu nông sản giữa bão dịch Covid-19" do VTC1 tổ chức, nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng việc giải cứu nông sản tràn lan có thể phản tác dụng.

Đừng biến "căn bệnh cấp tính thành mãn tính"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc giải cứu nông sản chỉ là giải pháp ngắn hạn, và nếu áp dụng thường xuyên sẽ vô tình biến "một căn bệnh cấp tính thành mãn tính" đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bà Lan phân tích: “Giải cứu thì diễn ra hết năm này đến năm khác mà vẫn không có giải pháp nào lâu dài, hợp lý, hiệu quả. Theo tôi, nên chấm dứt giải cứu ở một ngưỡng nào đó chứ không thể áp dụng mãi được. Ngần ấy năm giải cứu mà không thiết kế được chiến lược mới, không thay đổi được, đó là vấn đề của mình. Nếu kéo dài tình trạng giải cứu nông sản, nghĩa là chúng ta biến một căn bệnh cấp tính thành bệnh mãn tính. Căn bệnh mãn tính đó cũng kéo dài cả chục năm nay, nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả cơ thể ngành nông nghiệp Việt Nam”.

"Nếu kéo dài tình trạng giải cứu nông sản, nghĩa là chúng ta biến một căn bệnh cấp tính thành bệnh mãn tính" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định. (Ảnh minh họa: Ngọc Khánh)

Theo bà Lan, giải cứu nông sản không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của các ngành khác. Ví dụ như đầu tư vào các phương tiện để bảo quản, lưu giữ các sản phẩm nông sản tốt hơn; Đầu tư về mặt thị trường, để các trung tâm khuyến nông hiện nay có cả kỹ năng làm những việc đó. Phải xem ngân hàng có sẵn sàng cho vay với lãi suất hợp lý không hay vẫn giữ mức lãi suất ngất ngưởng. Nếu lãi suất quá cao, rủi ro lớn thì người nông dân không dám vay vốn, doanh nghiệp không dám đầu tư. “Rủi ro trong ngành nông nghiệp là rất lớn do các yếu tố về thời tiết, thị trường, vì thế Nhà nước phải có chính sách, các ngành cần chung tay”, bà Lan nhấn mạnh.

Đồng tình với bà Chi Lan, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: Giải cứu là cách làm bất đắc dĩ. Các địa phương có những mặt hàng này phải có trách nhiệm tư vấn bà con những hình thức tốt hơn.

Theo ông Thế Anh, một trong những nguyên nhân khiến ta phải thường xuyên giải cứu nông sản là do hiện nay, chúng ta đang rất lúng túng trong việc tổ chức thị trường như thế nào cho sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân đừng ỷ lại, hãy tự nghĩ cách cứu mình

Ông Thế Anh nêu ý kiến, hiện nay, bức tranh nông nghiệp đã khác nhiều so với những năm trước. Thời gian trước, bà con chủ yếu sản xuất nông sản tươi sống để bán với nhiều loại trái cây rau quả khác nhau. Nhưng muốn xuất khẩu nông sản thì chúng ta cần nghiên cứu kỹ về thị trường nhắm tới. Ví dụ như vừa ký EVFTA với châu Âu, chúng ta đã biết thị trường này cần những gì về nông sản hay chưa? Thị trường này họ yêu cầu nông sản chế biến là chính chứ không phải nông sản tươi sống, ai đã hiểu rõ điều này chưa?

Nhấn mạnh việc thay đổi là cần thiết trong thời đại hội nhập nhưng ông Thế Anh cho rằng, tìm thị trường mới không phải là đơn giản, việc này phải mất nhiều năm để nâng cấp chuỗi giá trị nông sản kể cả về công nghệ sau thu hoạch. Tuy nhiên, nếu không bắt tay vào làm ngay bây giờ thì sẽ quá muộn vì bà con nông dân vẫn sản xuất hàng năm.

Video: Nỗi buồn từ nông sản rớt giá. (Nguồn: VTC14)

Bà Chi Lan cũng cảnh báo, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính. Trung Quốc có những khu vực họ đòi hỏi cao về tiêu chí. Có thương lái Trung Quốc đến từng hộ gia đình yêu cầu nông dân Việt Nam ở Lục Ngạn (Bắc Giang) canh tác theo phương pháp hữu cơ để có sản phẩm vải thiều sạch. Đó là minh chứng cho việc thị trường Trung Quốc cũng có nơi đòi hỏi tiêu chí cao về chất lượng nông sản. Vì thế, coi họ là thị trường dễ tính là sai lầm.

“Cơ hội đối với thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều, vấn đề là chúng ta có khai thác hết không. Một thị trường rộng lớn đến vậy nhưng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang cũng chỉ biết đến cửa khẩu chứ hành trình nông sản vào sâu trong lục địa của họ, phân phối như thế nào thì không nắm được. Thị trường Trung Quốc có những vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản cao cấp nhất nhưng Việt Nam chúng ta chưa hiểu về những khu vực đó”, bà Lan khẳng định.

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ, các cấp bộ ngành thì chính nông dân cũng phải tự nghĩ cách cứu mình, thay vì trông chờ vào sự giải cứu của cộng đồng.

Ngọc Khánh - Đào Bích

Tin mới