Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ảnh: Ngân hàng đầu tiên lưu trữ hàng nghìn mô từ cơ thể người ở Việt Nam

Hơn 2.000 mô lấy từ cơ thể người trong đó nhiều nhất là van tim, mạch máu, gân, xương, da, giác mạc đang được lưu trữ tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Việt Đức.

 

Sau gần một năm đi vào hoạt động, Ngân hàng mô - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là nơi bảo quản hơn 2.000 mô. Theo kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Văn Chỉnh, đây là ngân hàng mô đầu tiên và duy nhất của Việt Nam ngân hàng mô duy nhất được thành lập theo quy định của pháp luật. Sự ra đời của ngân hàng đặc biệt này đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2018.

Những mô được bảo quản tại đây bao gồm xương sọ, tinh trùng... của bệnh nhân. Trong đó, mô của người hiến chết não chiếm nhiều nhất, gồm van tim, mạch máu, gân, xương, da, giác mạc. Với người hiến còn sống, đa phần là mô (gân, xương) của bộ phận chi bị tổn thương bắt buộc phải cắt cụt để bảo toàn tính mạng.

Đây là một mảnh xương sọ của một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Kỹ thuật viên đang thực hiện công đoạn tách lọc máu tụ trong mảnh xương sọ trước khi mẫu xương này được đưa vào bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ - 80 độ C. Thao tác được thực hiện trong buồng vô trùng, ngay cả nước muối cũng được đưa vào qua dây dài để tránh nhiễm khuẩn cho mô.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Nguyên cho biết trước đây khi chưa có kỹ thuật bảo quản lạnh, các mảnh xương này thường phải vùi dưới da bụng của bệnh nhân, chờ tới khi tình trạng sức khỏe cho phép, mảnh xương sẽ được lắp lại. Tuy nhiên, kỹ thuật này mang đến nhiều bất lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ vì phải thực hiện thêm hai ca mổ phụ. Mặt khác, mảnh xương nằm dưới da bụng có thể làm cho bệnh nhân khó chịu, vết mổ nhiễm trùng. Mảnh xương cũng có nguy cơ bị ăn mòn.

Việc bảo quản mỗi loại mô có quy trình khác nhau. Về cơ bản, các bác sĩ tại ngân hàng sẽ thu nhận mô sau khi sàng lọc người hiến với các xét nghiệm bệnh truyền nhiễm như HIV, giang mai, viêm gan C... Công đoạn thu nhận phải ở phòng sạch sẽ, đảm bảo vô trùng ở các khâu. Sau đó, các kỹ thuật viên sẽ xử lý và bảo quản trong nhiệt độ âm sâu 86 độ C, -196 độ C.

Các mẫu mô được đóng gói và dán nhãn cẩn thận trước khi được đem đi bảo quản. Việc bảo quản mô cứu được rất nhiều người khỏi tàn tật. Chẳng hạn với mẫu mô xương sọ này, người bệnh tránh được hội chứng khuyết sọ.

Máy hạ nhiệt độ là loại máy chuyên dụng trong quy trình bảo quản các mô sống như van tim, mạch máu, tinh trùng, giúp giữ nước trong các mẫu mô không đóng băng bằng việc hạ dần nhiệt độ theo chu trình đặc biệt. Chiếc máy này có giá lên tới 1,3 tỷ đồng.

Các thông số trên tủ bảo quản mô sống luôn được kiểm tra và ghi chép chi tiết. Một ngày, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ kiểm tra ít nhất 3 lần. Khi có sự thay đổi nhiệt độ, chuông cảnh báo sẽ lập tức phát tín hiệu.

Ngân hàng cũng có 3 nguồn điện dự phòng, đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sự cố nào trong việc bảo quản mô.

Trong hơn 2.000 mô, mẫu tự thân chiếm nhiều nhất với 1.900 mẫu đã được gửi, trong đó, mô xương sọ chiếm 60%. 60-70 mẫu tinh trùng đã được làm hỗ trợ sinh sản.

Đây là thiết bị chuyên dụng bảo quản tinh trùng. Các mẫu được bảo quản dưới nhiệt độ -196 độ C. Người gửi là thường những đối tượng thường xuyên tiếp xúc yếu tố nguy cơ, độc chất hoặc các trường hợp điều trị ung thư phải xạ trị hóa chất. Ngân hàng mô cũng tiếp nhận nhiều trường hợp chủ động tới gửi tinh trùng trước khi đi xa công tác.

Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là trung tâm nghiên cứu, đào tạo thực hành hàng đầu về bảo quản mô, công nghệ mô ghép và tế bào gốc.

Đặc biệt, rất nhiều mô trên cơ thể người có thể sử dụng để chữa bệnh. Các bệnh nhân bị tai nạn phải cắt cụt chi, hay ung thư xương cột sống, chân tay,… nếu không có mảnh xương ghép thay thế, người đó sẽ bị tàn tật suốt đời. Vì vậy, khi có ngân hàng mô, các bộ phận của cơ thể người hiến tặng sẽ được lưu trữ và sử dụng trong các trường hợp này. Đây là cơ hội giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Nguồn: Zing News

Tin mới